An ninh con người là nền tảng thịnh vượng

2023-08-15 13:38:09

Tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ xác định Việt Nam trở thành nước phát triển với chỉ số phát triển con người ở mức cao, đời sống của người dân hạnh phúc và quốc phòng, an ninh bảo đảm vững chắc.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, cần phải nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia thông qua quản trị tốt 5 nguồn lực: tài chính, tài nguyên, sản phẩm vật chất, nhân lực và xã hội.

Nguồn lực quan trọng nhất

Theo các nhà kinh tế hiện đại, sự giàu có và khả năng cạnh tranh của quốc gia được tạo ra chứ không phải được kế thừa. Nó không phát triển từ các nguồn lực tự nhiên, tài chính… của một quốc gia, như kinh tế học cổ điển khẳng định. Sự thịnh vượng và sức cạnh tranh của một quốc gia phụ thuộc vào khả năng đổi mới, vào động lực phát triển của thị trường bao gồm sự tương tác hiệu quả của 3 chủ thể: chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, đổi mới và sáng tạo lại là nguồn lực phát triển quan trọng nhất của con người, là sự khác biệt nhất của nguồn lực con người so với 4 nguồn lực còn lại. Nguồn vốn nhân lực được xem là tài sản quan trọng nhất của bất kỳ quốc gia nào và đầu tư vào con người luôn là một điều tất yếu trong phát triển năng lực quốc gia vì nó vừa là nguồn lực, vừa là mục tiêu cuối cùng của mọi nền kinh tế.

Trên thế giới, ý tưởng mở rộng khái niệm an ninh từ an ninh quốc gia sang từng cá nhân con người lần đầu tiên được đưa ra bởi Ủy ban độc lập về giải trừ quân bị và các vấn đề an ninh vào năm 1982. Báo cáo của UNDP (chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc) năm 1994 là một ấn phẩm mang tính bước ngoặt trong lĩnh vực an ninh con người, với lập luận rằng đảm bảo các nhu cầu thiết yếu và an toàn cho tất cả mọi người là con đường tốt nhất để giải quyết vấn đề toàn cầu.

Ở Việt Nam, khái niệm “an ninh con người” lần đầu tiên xuất hiện trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng (năm 2016). Đến nay, chúng ta cũng đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ trong 7 nội dung liên quan đến an ninh con người (kinh tế, lương thực, y tế, môi trường, cá nhân, cộng đồng và chính trị).

Vấn đề “an ninh con người” mới đây đã được đề cập rõ trong nhiều nội dung của Văn kiện Đại hội XIII với định hướng: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, phân minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người…”

Phát triển con người

Trong xu hướng mới của các biến đổi địa chính trị, kinh tế, môi trường và công nghệ, chúng ta cần tăng cường thêm 5 nội dung nghiên cứu để phát triển con người và xã hội:

Con người là trọng tâm: Nâng cao nhận thức và tính thực thi của chính sách về an ninh con người thông qua việc lấy con người làm trọng tâm ngay từ trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc gia đến triển khai thực tế. Các nội dung luật pháp bảo vệ nhu cầu cơ bản của con người như: sống, lao động, học tập… và an ninh cá nhân cần phải được đảm bảo khỏi các mối đe dọa bao gồm cả chiến tranh, xung đột, bạo lực…

Nguồn lực xã hội: bao gồm cả thể chế chính trị, các mạng lưới xã hội rộng lớn và các tổ chức quần chúng. Hiện nay, quan điểm đề cao quá mức lợi ích của tập thể một cách chung chung, trừu tượng đang làm hạn chế lớn đến nguồn lực xã hội và làm cho thể chế, cấu trúc bộ máy hành chính từ bộ ngành đến tỉnh, thành phố cồng kềnh, cơ chế vận hành thiếu hiệu quả và làm chậm tiến trình cải cách tiền lương gây ra các vấn đề xã hội bức xúc như: tham nhũng, tệ nạn xã hội, tội ác...

Xã hội công bằng và hòa bình: An ninh con người trong kỷ nguyên nhân sinh mới (Anthropocene) giờ đây phải vượt ra ngoài việc đảm bảo an ninh cho các cá nhân và cộng đồng của họ để hướng tới nghiên cứu một cách có hệ thống, phụ thuộc lẫn nhau giữa con người; giữa con người với hành tinh. Trong quá trình đó, các nguyên tắc bảo vệ, phân quyền và sự đoàn kết làm việc cùng nhau sẽ thúc đẩy không những văn hóa xã hội tích cực và lành mạnh mà còn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, xây dựng xã hội công bằng và hòa bình.

Vinh danh: Sự công nhận, cho dù đó là dưới hình thức giải thưởng, tiền thưởng, thăng chức, tăng lương hay một lời “cảm ơn” đơn giản sẽ giúp các đối tượng cá nhân và tổ chức thấy được sự quan tâm xã hội; đặc biệt nếu điều đó được thực hiện một cách chân thực và nhất quán. Quá trình đó sẽ xây dựng được niềm tin và sự chuẩn mực của mọi người vào một mục đích chung cũng như chọn lựa được các cá nhân có đức, có tài cũng như mô hình tổ chức mẫu mực để đóng góp thiết thực vào phát triển toàn diện con người và xã hội hiện đại.

An ninh lương thực và quốc phòng: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu phức tạp và sự xung đột của các thế lực cạnh tranh trong khu vực, việc quy hoạch tổng thể trung tâm lương thực đồng bằng sông Cửu Long, Biển Đông và các vùng biên giới Việt Nam, nên chăng phải là ưu tiên của chính sách phát triển kinh tế - xã hội đất nước để bảo đảm an ninh lương thực và quốc phòng nhằm hướng tới an ninh con người Việt Nam một cách bền vững trong tiến trình hội nhập với thế giới.

Một xã hội pháp luật công bằng với chính sách toàn diện về an ninh con người sẽ là nền tảng cho phát triển nguồn nhân lực và xã hội văn minh. Nền tảng đó sẽ đem lại sự tự do bình đẳng và bình an của người dân tạo ra một xã hội luôn đổi mới và sáng tạo. Và đây cũng chính là khởi nguồn của sự thịnh vượng đất Việt.

(Theo Ts Đoàn Duy Khương)

Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

Co loi xay ra
Co loi xay ra
Ago Mom cải thiện khả năng thụ thai, tình trạng hiếm muộn ở phụ nữ
Ago Dad hỗ trợ sức khỏe sinh sản nam giới bổ sung dưỡng chất cần thiết, tăng cường sức khỏe, bổ thận và ích tinh cho nam giới