Trả lời:
Trước kia, lúa gạo chủ yếu do tự trồng và tiêu thụ trong chính gia đình. Qua quá trình thu hoạch, phơi lúa, xay xát, gạo chứa nhiều bụi, thậm chí lẫn sỏi đá. Bên cạnh đó, Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, ô nhiễm không khí cũng là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Vì vậy, việc vo gạo trước khi nấu là cần thiết.
Tuy nhiên, hiện nay có một số loại gạo không cần phải vo trước khi nấu, đơn cử những loại gạo đã được sấy, sau đó hút chân không khi đóng bao bì, được gọi là gạo sạch. Hoặc loại gạo lật nảy mầm, tức gạo được cho nảy mầm rồi sấy khô, hút chân không, cũng chỉ cần nấu và không cần vo.
Nhiều người có thói quen vo kỹ gạo đến khi nước trong rồi mới đem đi nấu, điều này hoàn toàn sai lầm. Chất xơ, vitamin và khoáng chất quý giá chủ yếu nằm ở bên ngoài hạt gạo chứ không phải bên trong. Do vậy, nếu vo gạo kỹ đến khi thấy nước trong hoặc chà xát quá mạnh mới mang đi nấu sẽ làm mất đi các dưỡng chất quan trọng của hạt gạo.
Nhìn chung, bạn không nên vò gạo quá lâu, quá kỹ, không ngâm gạo quá lâu trước khi nấu. Chỉ nên rửa gạo, khuấy nhẹ tay, gạn nước để loại trừ sâu, sạn, loại bỏ bất kỳ mảnh vụn, hạt sạn trước khi nấu. Ngoài ra, nên rửa tay thật sạch trước khi vo để gạo không bị nhiễm bẩn.
Theo Vnexpress