Với triết lý kinh doanh thấu hiểu khách hàng, uy tín, chân thật, doanh nhân Vũ Nam Phương, người sáng lập, kiêm Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và Thương mại quốc tế Phương Nam (PNTrip) khát khao bắc những nhịp cầu kết nối du lịch, giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Kể từ khi Trung Quốc thí điểm đợt 2, mở biên giới cho các đoàn du khách Trung - Việt qua lại từ ngày 15/3 đến nay, nhịp làm việc tại trụ sở của PNTrip (số 25 - Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) sôi động, tươi vui hơn bao giờ hết, bởi nhu cầu du lịch của người dân hai quốc gia láng giềng đang như lò xo nén lại lâu ngày, chỉ đợi mở biên. Người chốt tour, người hối hả đặt dịch vụ khách sạn, vận chuyển… Ai cũng tất bật, nhưng trên khuôn mặt mỗi người đều tràn đầy năng lượng, không giấu được sự hân hoan.
CEO PNTrip Vũ Nam Phương phấn khởi: “Là doanh nghiệp lữ hành quốc tế chuyên thị trường inbound và outbound Trung Quốc, chúng tôi đã ngóng đợi ngày này từ rất lâu. Những ngày này, dường như có một làn gió Xuân ấm áp nhanh chóng lan tỏa, phá băng hoạt động du lịch Việt - Trung bị ngừng trệ trong gần 3 năm, thổi bừng lên sức sống của các hoạt động giao lưu đi lại giữa 2 nước. Đây cũng là thời điểm, PNTrip và nhiều hãng lữ hành quốc tế khác chính thức trở lại đường đua sau những bầm dập bởi Covid-19”.
Nhìn vào vóc dáng nhỏ bé, gương mặt xinh đẹp, nước da trắng hồng với đôi mắt biết cười và ngoại hình trẻ hơn tuổi ấy của nữ CEO sinh năm 1981, ít ai ngờ, ẩn trong đó lại là một “cỗ máy” làm việc kiên cường, sáng tạo, mạnh mẽ và bỏng cháy đam mê với nghề du lịch.
Nếu như người châu Âu chậm rãi, chú trọng tiểu tiết và nhỏ nhẹ, thì du khách Trung Quốc dễ tính, cởi mở, không để ý chi tiết, nói nhanh và nói to. Chính sự khác biệt trong tính cách của du khách cũng phản ánh phần nào sự khác biệt về văn hóa giữa các nước, đòi hỏi người làm du lịch phải tinh tế, mang tới cho họ những trải nghiệm hoàn hảo nhất. Bởi lẽ, du lịch xuyên quốc gia là một hình thức giao lưu giữa con người với con người, tăng cường sự hiểu biết, tình hữu nghị giữa nhân dân các quốc gia trên thế giới thông qua việc thưởng ngoạn cảnh quan, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực… nước bạn.
CEO PNTrip Vũ Nam Phương
Sinh ra, lớn lên tại Quảng Ninh, khát khao làm giàu trên chính quê hương - địa phương được thiên nhiên ban tặng nhiều tài nguyên phát triển du lịch, nhất là thắng cảnh vịnh Hạ Long, một trong 7 kỳ quan thiên nhiên của thế giới - từ khi còn nhỏ, cô bé Vũ Nam Phương đã có niềm yêu thích đặc biệt với thiên nhiên, đam mê khám phá, trải nghiệm những vùng đất mới. Thế nên, Phương chọn học Khoa Quản trị kinh doanh lữ hành, khách sạn tại Trường đại học Thương mại để phát triển sự nghiệp.
Sau khi tốt nghiệp, Vũ Nam Phương học thêm tiếng Trung. Trải qua nhiều vị trí ở các doanh nghiệp lữ hành, Phương muốn thực hiện ước mơ làm chủ doanh nghiệp du lịch. Ngày 8/3/2011, chị chính thức trở thành Giám đốc PNTrip, điều hành doanh nghiệp đến nay.
“Trung Quốc là thị trường rất rộng lớn và đầy tiềm năng, với hơn 1,3 tỷ dân. Việt Nam và Trung Quốc có núi liền núi, sông liền sông, tỉnh Quảng Ninh lại có cửa khẩu sang Trung Quốc. Với khát khao được góp phần thúc đẩy phát triển ngành kinh tế xanh của quê hương, nên tôi đã chọn Trung Quốc là thị trường mục tiêu”, nữ CEO chia sẻ.
Thời điểm đó, nữ CEO trẻ tự tin với kỹ năng nghề, nhưng chị tự nhận mình còn khá non nớt trong quản lý, nhất là khi đương đầu với khủng hoảng. Nhưng chẳng thể ngờ, khó khăn về tài chính chưa được giải quyết, thì PNTrip gặp ngay cú sốc nặng nề do hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) bùng phát năm 2012, tiếp đến là dịch cúm gia cầm H5N1 và H5N6 xảy ra ở khu vực Tây Thái Bình Dương, Trung Quốc đại lục.
“Khó khăn chất chồng, vì ngoài những ‘trận đòn’ do dịch bệnh, chính các doanh nghiệp lữ hành trong nước lại cạnh tranh về giá. Hoặc du khách Trung Quốc thường đi với số lượng đông, nên cũng có khi không đáp ứng được về cơ sở lưu trú hay thiếu hướng dẫn viên. Thế nên, suốt 3 năm đầu, PNTrip gặp đầy chông gai”, nữ doanh nhân nhớ lại.
Song, với định hướng ngay từ ban đầu là không cạnh tranh về giá, mà cạnh tranh về chất lượng, đem đến nhiều trải nghiệm vượt sự mong đợi cho khách hàng, tập trung đón khách cao cấp, nên lượng khách Trung Quốc đến với PNTrip ngày càng đông.
“Bí quyết thành công với thị trường Trung Quốc là phải biết lắng nghe và lắng nghe sâu để thấu hiểu nhu cầu của khách, đảm bảo đúng yêu cầu họ đưa ra và phải tạo ra được những giá trị hơn kỳ vọng của họ. Đôi khi, chỉ là tặng khách thêm chiếc nón lá, mời họ thưởng thức quả dừa, trái sầu riêng thôi, nhưng cũng đủ gây cho họ thương nhớ. Còn với đối tác, phải giữ uy tín. Có uy tín đối tác sẽ tự tìm đến mình”, CEO Vũ Nam Phương bật mí.
Ước mơ trở thành người truyền lửa
Trong giai đoạn 2015 - 2019, ước tính, PNTrip đã tiếp đón 110.500 lượt khách, trong đó tỷ lệ khách lẻ chiếm 60%, xu thế khách đi lẻ theo nhóm gia đình nhiều hơn, thường cao điểm vào dịp lễ, tết và mùa hè. Từ đầu năm 2023, PNTrip đã đón được những đoàn khảo sát và tour triển lãm đầu tiên từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ngoài ra, các tour đi du lịch nghỉ dưỡng tự túc, tour hội nghị cũng đang được quan tâm rất nhiều. “Tình hình vô cùng lạc quan và chúng tôi đang rất bận rộn đón các đoàn khách liên tục khởi hành đến Việt Nam và đưa các đoàn khách Việt Nam sang Trung Quốc”, CEO Vũ Nam Phương cho biết.
Hiện nay, du khách Trung Quốc đến với PNTrip thuộc 2 nhóm chính.
Nhóm thứ nhất là các đoàn doanh nhân đi tour hội nghị, tour triển lãm, tour khảo sát thương mại đầu tư. Những tour này thường không cố định theo mùa, mà theo kế hoạch, nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc.
Nhóm thứ hai là các tour tự do đi theo nhóm gia đình và bạn trẻ, thường đi vào mùa hè, vì Việt Nam có nhiều bãi biển đẹp để nghỉ dưỡng. Ngoài ra, Việt Nam có nhiều sân golf đẹp, thời tiết thuận lợi, nên rất thu hút khách tới tham gia tour đánh golf.
Theo CEO PNTrip, kinh doanh du lịch là một hệ sinh thái bao trùm và rộng lớn, tổng hợp các ngành khác, góp phần thúc đẩy các ngành như dịch vụ khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, mua sắm... Vì vậy, việc Trung Quốc mở cửa trở lại có ý nghĩa rất lớn với Việt Nam. Trên thực tế, tỷ trọng du khách thị trường tiếng Trung chiếm 50-70% tổng số lượng khách quốc tế vào Việt Nam, góp phần giúp nền kinh tế đất nước phát triển.
Doanh nhân Vũ Nam Phương cho hay, trước đây, khách Trung Quốc thường thích ăn các món nhiều dầu mỡ, nhưng gần đây, họ có xu hướng ăn thanh đạm hơn và lựa chọn những sản phẩm, thực phẩm tốt cho sức khỏe. Họ rất thích ăn hải sản, mỗi khi thưởng thức, họ đều không ngớt lời khen ngợi đồ biển của Việt Nam rất tươi ngon. Các món ăn truyền thống của Việt Nam như bún chả, chả cá, nem, các món cuốn… hay hạt điều, trái cây sấy cũng được du khách Trung Quốc đặc biệt yêu thích.
Các công ty du lịch Việt Nam đã tích cực khởi động chương trình, sẵn sàng để đón khách Trung Quốc quay trở lại. Tuy nhiên, theo CEO PNTrip, sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của “sóng thần” Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đang phải giải quyết những khó khăn nhất định. Chẳng hạn, dịch vụ lưu trú của nhiều khách sạn đã xuống cấp, đang chờ để sửa chữa và nâng cấp mới; các nhà hàng đạt chuẩn an toàn thực phẩm cần hoạt động trở lại; thiếu đội ngũ hướng dẫn viên nhiều kinh nghiệm…
Nữ doanh nhân cũng tin tưởng, trong thời gian ngắn, chuỗi dịch vụ sẽ bình ổn trở lại, ngành du lịch Việt Nam sẽ ngày càng hoàn thiện để mang đến cho du khách quốc tế những ấn tượng khó quên.
Hiện nay, bên cạnh thị trường Trung Quốc, PNTrip còn đưa du khách Việt Nam đi du lịch và đón nhiều thị trường khách quốc tế khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia… Là hãng lữ hành quốc tế, hậu Covid-19, PNTrip đang chuyển mình từ một công ty du lịch truyền thống trở thành một nền tảng du lịch trực tuyến nhằm mang đến trải nghiệm tốt hơn với khách hàng và các nhà cung cấp.
Đặc biệt, là người luôn hướng đến những điều tích cực, ngay trong thời gian Covid-19 diễn biến phức tạp, PNTrip phát triển thêm 2 mảng kinh doanh mới, gồm đào tạo tiếng Trung và phát triển kỹ năng (PNCOACH); Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, triển lãm (PNIPC). Nữ doanh nhân dự tính, thị trường Trung Quốc khi quay trở lại sẽ đi du lịch với số lượng lớn, rất cần hướng dẫn viên tiếng Trung, nên PNCOACH đào tạo đội ngũ đầy đủ phẩm chất này cung cấp cho thị trường. Còn PNIPC sẽ đón đầu “làn sóng” đầu tư, kinh doanh từ Trung Quốc vào Việt Nam hậu Covid-19.
“Thị trường hơn 1,3 tỷ dân Trung Quốc rất rộng lớn và tiềm năng. Với Việt Nam, chúng ta không thể không có sự hợp tác bền vững từ phía nước bạn láng giềng Trung Quốc. Vì thế, tôi luôn khát khao bắc những nhịp cầu kết nối cho du khách, doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc”, nữ CEO bộc bạch.
Đó cũng là bí quyết giúp CEO Nam Phương bước qua đại dịch thành công và giúp đội ngũ nhân sự của mình có được công việc để có thể duy trì cuộc sống và phát triển bản thân.
Qua việc chăm sóc và tiếp đón những đoàn chuyên gia, doanh nghiệp Trung Quốc từ đầu năm 2023, nữ doanh nhân cho hay, họ đánh giá thị trường Việt Nam rất phù hợp để tiếp tục nghiên cứu đầu tư, phát triển tại đây. Con người Việt Nam thân thiện, môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng cởi mở hơn, với những chính sách tạo thuận lợi cho du khách, doanh nghiệp. Họ khá ngạc nhiên khi khu vực miền Bắc Việt Nam hiện nay có hệ thống giao thông đường bộ rất phát triển, cảng biển đáp ứng nhu cầu thông thương. Đây chính là điểm cộng đối với các doanh nghiệp Trung Quốc để họ quyết định đầu tư tại Việt Nam.
Nữ CEO dự đoán, từ đầu tháng 5 tới, du khách Trung Quốc sẽ quay trở lại Việt Nam như trước dịch. Trong năm 2023, PNTrip sẽ khôi phục lại toàn bộ hoạt động du lịch như trước dịch và phát triển hơn nữa. Song song với đó, PNIPC sẽ kết nối thương mại với các doanh nghiệp Trung Quốc, trong khi PNCOACH đào tạo ngoại ngữ và nhân sự.
Ẩn trong vẻ ngoài nhẹ nhàng, nữ tính là một doanh nhân mạnh mẽ, linh hoạt, biết lắng nghe và lắng nghe sâu, phương châm của CEO Vũ Nam Phương là phải làm tốt những việc thực sự là năng lực lõi của mình xoay quanh hệ sinh thái của doanh nghiệp. “Ước mơ của tôi là sau khi PNTrip và PNIPC lớn mạnh, sẽ phát triển PNCOACH thành Học viện Phát triển con người, nhằm truyền lửa đam mê, nhiệt huyết, để ngoài việc đào tạo ngoại ngữ, còn giúp mọi người thấu hiểu được chính mình để thành công và hạnh phúc”, CEO Vũ Nam Phương bộc bạch.
Hồ Hạ Báo Đầu tư