Một nền kinh tế thị trường hiệu quả là nền kinh tế đảm bảo sự vận hành tốt giữa ba chủ thể là chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chi tiêu của người dân là một trong những động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế.
Những ưu điểm của nền kinh tế thị trường bao gồm: phân bổ nguồn lực hiệu quả được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh, đổi mới và làm giảm sự quan liêu… Mặc dù vậy, theo các nhà kinh tế học về kinh tế thị trường, có ba vấn đề chính cần lưu ý trong quá trình phát triển và vận hành cơ chế thị trường.
Chi tiêu của người dân là một trong những động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế.
Ba vấn đề cần lưu tâm
Thứ nhất, nền kinh tế thị trường cũng có nhược điểm: bất bình đẳng về thu nhập và của cải, thiếu bền vững về xã hội và môi trường, thiếu tính ổn định kinh tế do quy luật chu kỳ phát triển…, và đặc biệt là thiếu dịch vụ, hàng hóa công như hạ tầng kỹ thuật, giáo dục, y tế, dịch vụ bảo hiểm và phúc lợi xã hội gắn kết với các đô thị, khu dân cư trong xã hội, dẫn đến khoảng cách về tiếp cận và chất lượng cuộc sống.
Thứ hai, chi tiêu của người dân là một trong những động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế vì người dân đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường vì họ có ảnh hưởng đến chủng loại và chất lượng sản phẩm và dịch vụ được sản xuất thông qua các quyết định mua hàng của họ. Vai trò của người dân, người tiêu dùng ngày càng quan trọng khi thu nhập đầu người ngày càng tăng và thị trường ngày càng mở rộng trên thế giới.
Thứ ba, công nghệ số đang thay đổi ý thức và hành vi của người tiêu dùng, con số thống kê mới đây công bố khoảng trên 70% khách hàng nói rằng quý trọng thời gian của họ là điều quan trọng nhất mà một doanh nghiệp có thể làm để cung cấp cho họ dịch vụ khách hàng trực tuyến tốt. Ngoài ra, người tiêu dùng ngày nay muốn các thương hiệu hàng hóa dịch vụ phải có thông điệp và lập trường kinh doanh rõ ràng khi một khảo sát quốc tế cho thấy 63% khách hàng muốn mua hàng từ các công ty có trách nhiệm với xã hội và môi trường.
Để góp phần thúc đẩy và hoàn thiện nền kinh tế thị trường nên tập trung nâng cao hiệu quả ba chủ thể nền kinh tế:
Đối với Chính phủ
Kết hợp vận hành nền kinh tế thị trường hợp tác và cạnh tranh lành mạnh trong việc quản trị hiệu quả mô hình năm nguồn lực kinh tế xã hội để đảm bảo sử dụng và phát triển các nguồn lực mà không làm cạn kiệt chúng theo thời gian, đặc biệt là các nguồn lực con người, tài nguyên và xã hội.
Cần xây dựng nhà nước pháp quyền đảm bảo cho các cơ quan Nhà nước và Chính phủ đóng vai trò là trọng tài để thúc đẩy sự công bằng, minh bạch và ngăn chặn sự hình thành các doanh nghiệp độc quyền.
Nâng cao năng lực quản trị hiệu quả các lĩnh vực, các dự án phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng như cung cấp hàng hóa và dịch vụ công thông qua các mô hình huy động vốn và hiệu quả như PPP (Hợp tác công tư), TOD (Phát triển gắn kết với hạ tầng giao thông)…
Cần đầu tư cho việc nghiên cứu, dự đoán xu hướng và chu kỳ phát triển của nền kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng để có biện pháp tận dụng cơ hội cũng như phòng ngừa, tránh rủi ro cho nền kinh tế.
Đối với doanh nghiệp
Toàn cầu hóa và công nghệ đã thay đổi nhận thức của doanh nghiệp về thị trường và chuỗi cung ứng sản phẩm. Thời của nhận thức truyền thống về một sản phẩm như một vật phẩm độc lập, với các phương pháp đóng gói và phân phối mang tính chiến thuật ngắn hạn trong lịch sử, đã qua rồi.
Cần xác định mục tiêu chiến lược cuối cùng là lợi nhuận và tăng trưởng bền vững với phương pháp kinh doanh là làm cho khách hàng của mình sinh lợi và hiệu quả nhất có thể thông qua việc tập trung vào quản lý quan hệ khách hàng và điều chỉnh mục tiêu của khách hàng và doanh nghiệp để tạo ra lợi ích đôi bên cả về tiền bạc và thời gian.
Mô hình Customer Success (Thành công của khách hàng) đang được các doanh nghiệp áp dụng hỗ trợ khách hàng sử dụng xuyên suốt từ khâu trước và sau bán hàng. Mô hình này sử dụng công nghệ App (Ứng dụng phần mềm) và AI (Trí tuệ nhân tạo) để giúp cho khách hàng có sự thuận lợi trong giao tiếp và lựa chọn sản phẩm nhanh, chính xác cũng như thấu hiểu thông điệp kinh doanh minh bạch về trách nhiệm xã hội.
Đối với người tiêu dùng
Hơn ai hết, người tiêu dùng tin rằng khả năng lao động để có thu nhập tốt kết hợp với kỹ năng quản lý tài chính cá nhân để chi tiêu và đầu tư tích cực sẽ đảm bảo cho cá nhân phát triển sáng tạo và trở thành công dân thực sự của nền kinh tế thị trường. Hơn nữa, sự đoàn kết và chia sẻ của những công dân này trong việc xây dựng và phát triển các thể chế, cấu trúc xã hội và hiệp hội người tiêu dùng hướng tới văn hóa tiêu dùng bền vững, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh và hoàn thiện cơ chế thị trường đồng bộ ở nước ta.
Xây dựng nhà nước pháp quyền nhằm phát triển và hoàn thiện nền kinh tế thị trường đồng bộ để quản trị tốt các nguồn lực kinh tế - xã hội, trong đó lấy nguồn lực con người làm trọng tâm.
TS Đoàn Duy Khương