NIO - hãng xe điện Trung Quốc được gọi là "sát thủ Tesla" - phải đốt thêm tiền để cạnh tranh tại thị trường xe điện lớn nhất thế giới.
NIO được gọi là "sát thủ Tesla" khi ra mắt chiếc SUV năm 2017 với thiết kế đẹp, màn hình cảm ứng cỡ lớn và tính năng điều khiển bằng giọng nói, nhưng chỉ có giá bằng nửa chiếc Model X của Tesla. NIO là một trong những startup xe điện được ca ngợi nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, họ cũng đang là ví dụ về các thách thức mà nhiều hãng xe đang phải đối mặt trong cuộc chiến giá tại thị trường xe điện lớn nhất thế giới này.
Doanh số bán hàng của NIO đã lao dốc vài tháng qua, khiến hãng phải giảm giá, giảm đầu tư và tiêu tốn nhiều tiền mặt hơn. Tháng này, CEO William Li cho biết NIO sẽ phải thận trọng hơn trong việc quản lý rủi ro thanh khoản khi doanh số yếu hai tuần qua đang gây sức ép lên dòng tiền.
Tuần trước, NIO cho biết một công ty do chính phủ Abu Dhabi chống lưng sẽ đầu tư 740 triệu USD vào đây. Li dự báo doanh số sẽ hồi phục lại trong tháng này, do họ vừa ra mắt một mẫu SUV mới.
NIO khá chậm chân so với các hãng xe khác trong cuộc chiến giá. Các động thái gần đây của họ cho thấy cạnh tranh đang ảnh hưởng thế nào đến lợi nhuận của các hãng xe, cũng như thay đổi chuỗi cung ứng.
Một số startup thậm chí đã bị loại khỏi cuộc chơi sau khi đốt tiền tại thị trường Trung Quốc đông đúc. Năm nay, doanh số xe điện tại đây chậm lại, do tiêu thụ yếu và giới chức Trung Quốc ngừng trợ cấp cho người mua.
WM Motor đầu năm phải dừng phần lớn hoạt động sản xuất, sa thải nhân viên và đóng nhiều cửa hàng vì hết tiền, nợ nần. Tháng 5, Letin Auto – nổi tiếng với hatchback điện 4.000 USD, cũng nộp đơn xin phá sản vì không huy động được thêm vốn mới.
XPeng - một startup đình đám khác của Trung Quốc đã niêm yết tại Mỹ - cũng ghi nhận doanh số giảm từ tháng 9 năm ngoái, dù đã giảm hơn 10% giá xe từ đầu năm nay. So với cùng kỳ năm ngoái, XPeng hiện bán được ít hơn 40% xe. Công ty này cũng không còn nhiều thời gian để đảo ngược tình hình, khi tiền mặt hiện ở mức thấp trong khi các đối thủ đang dần bắt kịp công nghệ, các nhà phân tích tại CMB International nhận định.
Từng là con cưng của các nhà đầu tư, các hãng xe điện toàn cầu đang vật lộn với thanh khoản thấp, các vấn đề về vận hành và cạnh tranh khắc nghiệt. Các công ty Mỹ như Rivian Automotive và Lucid Group cũng đang đối mặt với thời kỳ khó khăn khi dự trữ tiền mặt co lại.
Tăng trưởng doanh số xe điện và xe lai điện - xăng tại Trung Quốc đã giảm vài quý gần đây. Hai năm trước, mức tăng còn lên tới 3 chữ số. Theo Hiệp hội Xe chở khách Trung Quốc, doanh số nhóm xe này chỉ tăng 41% trong 5 tháng đầu năm nay.
"Không phải ai cũng tồn tại được trong thị trường này", Joel Ying – chuyên gia phân tích xe hơi tại Nomura cho biết. Các startup dễ tổn thương hơn hãng xe lâu đời. Vì các hãng xe lâu đời vẫn trông cậy được vào con gà đẻ trứng vàng là xe xăng, Ying giải thích.
Wall Street Journal vài ngày trước đưa tin Bắc Kinh đang soạn thảo một gói kích thích để hồi sinh nền kinh tế và tiêu dùng. Tuần trước, Bộ Tài chính Trung Quốc cũng gia hạn miễn thuế với xe điện và xe lai điện xăng đến cuối năm 2025.
Với các hãng xe ngoại, thị trường Trung Quốc càng thách thức. Những tên tuổi như Ford Motor vẫn đang thất bại tại mảng xe điện tại Trung Quốc. Volkswagen - thống trị thị trường xe xăng và bán được nhiều xe điện tại các thị trường khác - chưa có mẫu nào lọt top 10 xe điện bán chạy tại Trung Quốc.
Tesla vẫn đang là cái tên số 2 tại thị trường xe điện này. Họ bán được hơn 200.000 xe cho người Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm nay.
Chiếm thị phần lớn nhất là hãng xe Trung Quốc BYD, được hỗ trợ bởi công ty của tỷ phú đầu tư Warren Buffett. BYD đã bán được 900.000 xe (tính cả xe lai điện xăng) trong 5 tháng đầu năm. Li Auto – hãng sản xuất các xe lai đắt đỏ, cũng bán được hơn 100.000 chiếc trong cùng kỳ, đang nổi lên là một trong các người chơi mạnh nhất thị trường này.
Từ đầu năm, hàng chục hãng xe Trung Quốc đã phải giảm giá. Các đại lý cũng tung khuyến mãi để kích cầu. Hồi tháng 1, Tesla giảm mạnh giá xe tại Trung Quốc. Các đối thủ địa phương, như Xpeng và BYD, cũng nhanh chóng theo chân.
NIO trước đó không tham gia cuộc chiến giá. Số xe họ giao trong tháng 4 và 5 đã giảm còn 6.000 chiếc, so với hơn 10.000 chiếc trong các tháng trước đó. Các nhà phân tích cho rằng vấn đề của NIO càng nghiêm trọng khi chậm ra mắt các mẫu mới để thay thế các mẫu cũ vốn đã kém hấp dẫn với người mua.
Doanh số giảm đang gây sức ép lên khả năng sinh lời của công ty. Biên lợi nhuận từ bán xe mới đã giảm còn 5% trong quý I, so với 18% cùng kỳ năm ngoái. Cuối tháng 3, tiền mặt và thanh khoản ngắn hạn của công ty cũng giảm một phần ba so với năm ngoái, còn 5 tỷ USD. Nợ của NIO hiện là 2 tỷ USD.
CEO NIO tháng này cho biết họ không kỳ vọng hòa vốn cho đến ít nhất là cuối năm 2024. Mốc này chậm hơn một năm so với dự báo trước đó. Họ cũng hoãn đầu tư vào tài sản cố định và một số hoạt động nghiên cứu – phát triển (R&D) khác.
Đầu tháng này, NIO phải hạ giá 4.200 USD với tất cả sản phẩm tại Trung Quốc. Việc này đồng nghĩa họ sẽ dừng dịch vụ đổi pin miễn phí – vốn là điểm hấp dẫn của NIO. Startup này trước đó cho phép người mua xe không kèm pin (vốn là một trong những linh kiện đắt nhất của xe điện), đồng thời tham gia chương trình đổi pin miễn phí chỉ vài phút tại các trạm của họ.
Hiện tại, người mua mới sẽ phải trả tiền cho dịch vụ thay pin này. NIO cũng lên kế hoạch bổ sung 1.000 trạm đổi pin tại Trung Quốc năm nay, nâng tổng số trạm lên 2.400. Tuy nhiên, hãng cho biết để dịch vụ này có lãi, họ cần nhiều người dùng hơn nữa.
Tu Le – Giám đốc hãng nghiên cứu Sino Auto Insights cho rằng giá giảm có thể tạm thời kéo doanh số lên. Tuy nhiên. NIO sẽ phải thay đổi chiến lược sản phẩm và định giá. Hồi tháng 5, NIO đã ra mắt SUV ES6. Morgan Stanley cho rằng mẫu xe này đã giúp tăng lượng khách ghé thăm các cửa hàng của NIO.
Theo Hà Thu
(Vnexpress)