Để bắt kịp cuộc đua xe điện, các hãng xe Mỹ đã đổ hàng tỷ USD trong 5 năm qua để chuyển đổi hay xây dựng mới nhà máy. Họ kỳ vọng khách hàng sẽ đổ xô đi mua xe điện và sớm tử bỏ xe động cơ đốt trong.
Tuy nhiên, trong 12 tháng qua, tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe điện đã chậm lại đáng kể do một số người Mỹ lo ngại về giá bán, khó khăn trong việc sạc, đặc biệt là các chuyến đi dài. Thay đổi tâm lý tiêu dùng khiến nhà sản xuất phải điều chỉnh kế hoạch và quay lại sản xuất thêm xe xăng, dầu.
Tại Ontario (Canada), Ford từng định dùng nhà máy Oakville để sản xuất các mẫu SUV chạy điện vào 2025. Tuy nhiên, hồi tháng 4, Ford tuyên bố lùi thời điểm ra mắt đến 2027. Đến 18/7, hãng thông báo sẽ dùng nhà máy này để sản xuất mẫu bán tải F-Series Super Duty động cơ đốt trong. Ford nói rằng giữ nguyên tiến độ ra mắt SUV điện nhưng địa điểm sản xuất chúng giờ chưa rõ.
Giám đốc điều hành Ford Jim Farley cho biết Super Duty là mẫu xe rất quan trọng với doanh nghiệp và người dân toàn thế giới. "Ngay cả khi nhà máy ở Kentucky và Ohio của chúng tôi hoạt động hết công suất vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu", ông cho biết. Vì vậy, nhà máy ở Oakville sẽ bổ sung thêm công suất 100.000 xe Super Duty.
Động thái của Ford diễn ra một ngày sau khi GM nêu kế hoạch sản xuất 200.000 đến 250.000 xe điện năm nay, ít hơn khoảng 50.000 chiếc so với dự báo trước đó. Đầu tuần này, GM cũng từ chối nhắc lại tham vọng đạt công suất một triệu chiếc xe điện tại Bắc Mỹ vào cuối 2025.
"Chúng tôi đang linh hoạt. Chúng tôi chưa công bố mục tiêu công suất mới và sẽ thiết lập theo nhu cầu", người phát ngôn của GM cho biết. Nói trên CNBC, CEO GM Mary T. Barra thừa nhận sẽ mất nhiều thời gian hơn để đạt được mức công suất đó, do doanh số bán xe điện chậm lại.
Bình luận với New York Times, Arun Kumar, CEO công ty tư vấn AlixPartners, cho biết sự hưng phấn với xe điện sau đại dịch đã khiến nhiều nhà sản xuất nghĩ rằng tăng trưởng sẽ bùng nổ. "Nhưng thực tế không phải như vậy và đó là một bước đi thông minh để đảm bảo rằng bạn không mất thị phần trong lĩnh vực xe động cơ đốt trong", ông nói về động thái của Ford và GM.
Sam Fiorani, Phó chủ tịch của công ty nghiên cứu AutoForecast Solutions, cho biết các nhà sản xuất ôtô truyền thống tiếp tục được hưởng lợi từ các nhà máy lâu đời chuyên sản xuất xe xăng, khiến chúng mang lại lợi nhuận cao hơn so với các mẫu xe điện. Với Ford, những chiếc Super Duty vẫn rất đắt hàng. Vì vậy, công ty có kế hoạch đầu tư khoảng 3 tỷ USD để mở rộng sản xuất chúng, bao gồm 2,3 tỷ USD để lắp dây chuyền cho khu liên hợp lắp ráp Oakville.
Tăng trưởng nhu cầu xe điện trên toàn cầu chậm lại khiến các công ty chuyên xe điện dẫn đầu thị trường như Tesla và BYD cũng phải giảm giá kích cầu. Tesla đã không còn kỳ vọng doanh số tăng 50% mỗi năm sau khi doanh số toàn cầu giảm 6,6% trong nửa đầu 2024. Họ đồng thời trì hoãn kế hoạch xây dựng cơ sở lắp ráp ở Mexico và hủy cuộc gặp vào tháng 4 giữa CEO Elon Musk và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi để thảo luận về đầu tư nhà máy.
Báo cáo của S&P Global Mobility cho biết có 471.021 chiếc xe thuần điện đăng ký mới trong 5 tháng đầu năm, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2023. Thị phần xe điện cải thiện từ 6,9% lên 7,2%. Tăng trưởng vẫn dương là nhờ giảm giá và hợp đồng với các công ty cho thuê xe, theo hãng nghiên cứu Motor Intelligence.
Cách đây một năm, các ưu đãi phổ biến chỉ ở mức khoảng 1.000 USD mỗi xe nhưng hiện có chiếc được ưu đãi đến hơn 18.000 USD, ví dụ như Kia EV9. Hay như năm trước, Tesla Model Y và Cadillac Lyriq được trợ giá lần lượt 1.195 USD và 761 USD thì nay được giảm 5.570 USD và 17.732 USD.
Tom Libby, Giám đốc phân tích tại S&P Global Mobility, xác nhận xe điện có những tiến độ về mặt hiệu suất bán hàng thuần túy. Nhưng bên dưới những con số đó là các ưu đãi khổng lồ. "Điều này không bền vững và đang gây ra tổn thất cho các nhà sản xuất", ông nói.
Thực tế, Ford đã lỗ gần 4,7 tỷ USD trong hoạt động kinh doanh xe điện vào năm 2023 và dự kiến lỗ tới 5,5 tỷ USD năm nay. Hồi tháng 2, hãng cho biết thế hệ xe điện tiếp theo sẽ được ra mắt "chỉ khi chúng có thể có lãi".
Ngoài ra, một lý do khác cho sự do dự xe điện của các hãng ôtô Mỹ là họ đang ở trong thời điểm đầy khó khăn về mặt chính trị đối với ngành, theo New York Times. Các quy định về ôtô của Mỹ có thể thay đổi đáng kể nếu cựu Tổng thống Donald Trump thắng cử vào tháng 11. Trong chiến dịch tranh cử năm nay, ông Trump đã cam kết hủy bỏ nhiều chính sách của Tổng thống Biden, trong đó có chính sách khuyến khích sử dụng xe điện để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Trong lúc này, Ford ngày càng tập trung vào sản xuất xe lai xăng - điện (hybrid) để thu hút những người chưa sẵn sàng sử dụng xe thuần điện. Họ đặt mục tiêu tăng gấp bốn lần sản lượng xe hybrid trong vài năm tới.
Theo VNExpress