Tháng 10 tới, tại Hà Nội, Khoa Văn hóa Du lịch (nay là khoa Du lịch) Trường Đại học Văn hóa Hà Nội sẽ long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập.
Trên cơ sở chuyên ngành Văn hóa Du lịch trực thuộc Khoa Bảo tàng, Khoa Du lịch được thành lập tháng 10/1993. Từ khi thành lập cho đến tận bây giờ, trường vẫn luôn là một trong những cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng nhất cho ngành Du lịch. Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, khoa Du lịch đã đào tạo hàng ngàn cử nhân, cung cấp nguồn nhân lực lớn, có chất lượng cao cho ngành Du lịch Việt Nam.
Khoa hiện đã có trên 10 đầu giáo trình phục vụ giảng dạy, làm rõ các vấn đề chuyên môn gắn giữa lý luận với thực tiễn như: Giáo trình Văn hóa Du lịch, Giáo trình Tổng quan du lịch, Giáo trình nghiệp vụ kinh doanh lữ hành, Giáo trình Nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, Giáo trình Tiếng Anh du lịch di tích lịch sử văn hóa, Giáo trình Tiếng Anh du lịch lễ hội, Giáo trình tiếng Anh Du lịch làng nghề, Giáo trình Di tích lịch sử văn hóa và danh thắng Việt Nam; Giáo trình Lễ hội Việt Nam trong sự phát triển du lịch, Giáo trình Quản lý di sản văn hóa với phát triển du lịch.
Mục tiêu đào tạo của Khoa Du lịch: Khoa xác định rõ mục tiêu đào tạo chính là Đào tạo đội ngũ cán bộ trình độ Cử nhân Văn hóa Du lịch có thể hoàn thành tốt vai trò của người hướng dẫn viên du lịch và và quản trị doanh nghiệp du lịch. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có trình độ lý luận và chuyên môn nghiệp vụ bậc đại học; có phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khoẻ tốt; có kiến thức cơ bản, hệ thống, hiện đại và thiết thực với chuyên môn nghiệp vụ của thực tế đặt ra. Có nhận thức đúng về nghề nghiệp, yêu ngành, yêu nghề, gắn bó với nghề nghiệp Du lịch đã chọn.
Có kiến thức chuyên môn vững vàng có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ ở các vị trí khác nhau trong các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, trong các doanh nghiệp lữ hành, các khách sạn, nhà hàng hay các cơ sở lưu trú khác. Có khả năng sáng tạo, xây dựng các chương trình, dự án phát triển du lịch, các hoạt động kinh tế – văn hóa – xã hội có liên quan ở các địa phương. Tổ chức khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương để kinh doanh du lịch đạt hiệu quả tối ưu. Có khả năng xây dựng, tổ chức, điều hành tốt, hiệu quả các chương trình du lịch [tour]; có khả năng xây dựng những bài thuyết minh có cấu trúc hợp lý, khoa học, chứa đựng nội dung thông tin phong phú, đặc sắc… tương ứng với từng tuyến điểm du lịch cụ thể và tiến hành hướng dẫn du lịch tại các tuyến điểm tham quan du lịch đó hay hoàn thành tốt vai trò nhiệm vụ của người hướng dẫn du lịch suốt tuyến. Có kiến thức chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong các cơ sở kinh doanh lưu trú, khách sạn – nhà hàng du lịch. Có kiến thức và kỹ năng tổ chức điều hành, hoàn thành tốt tất cả các công đoạn trong một chu trình kinh doanh du lịch lữ hành đạt hiệu quả kinh tế – văn hóa – xã hội cao.
Với phương châm đào tạo, là: bằng phong cách chuyên nghiệp mang đến những đặc trưng riêng biệt, nổi bật của Văn hóa Việt Nam thông qua việc “giải mã văn hóa - giải ảo hiện thực” đem đến những cách tiếp cận đa chiều về văn hóa - lịch sử dân tộc; Khoa Văn hóa Du lịch đã thực sự góp phần tôn vinh văn hóa dân tộc trước cộng đồng du khách trong và ngoài nước; góp phần đắc lực vào hai quá trình lớn là “Kinh tế hóa văn hóa” và “Văn hóa hóa kinh tế” diễn ra đồng thời trong hoạt động du lịch ở Việt Nam.
Hiện tại, khoa có 2 ngành đào tạo là ngành Du lịch và ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, có 3 chuyên ngành là Chuyên ngành Văn hóa Du lịch, chuyên ngành Lữ hành - hướng dẫn du lịch và chuyên ngành Quản lý du lịch. Tổng số sinh viên chính qui hiện tại đang ngồi trên ghế nhà trường là gầnn 2000 sinh viên với trên 20 lớp, trong tổng số hơn 20 cán bộ giảng viên của Khoa.
Nhằm đáp ứng mục tiêu “đào tạo theo nhu cầu và yêu cầu xã hội” và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp gắn chặt với thực tiễn, Khoa Du lịch hiện duy trì hoạt động hiệu quả 5 Câu lạc bộ (CLB) sinh viên, gồm: CLB Lễ tân du lịch, CLB Hướng dẫn viên du lịch, CLB Du lịch xanh và CLB Tourist and Tourist với rất nhiều hoạt động bổ trợ. Ngoài ra, hàng năm khoa đều tổ chức tour “Hành trình khám phá Con đường di sản miền Trung” để nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành và trải nghiệm thực tế cho cán bộ giảng viên và sinh viên của khoa.
30 năm là một chặng đường không dài, nhưng Khoa Du lịch đã đạt được những thành tựu với số lượng sinh viên ra trường đã thành công trong nhiều lĩnh vực, trong đó có có rất nhiều sinh viên đã trưởng thành và thành đạt, có vị trí cao trong ngành Du lịch và các lĩnh vực. Điều đó là minh chứng cho sự phát triển của Khoa Du lịch nói riêng và Trường ĐH Văn hóa Hà Nội nói chung.
PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Hà Nội từng khẳng định, Khoa Du lịch là một trong những khoa lớn nhất của Trường cả về số lượng giảng viên và sinh viên. Những năm gần đây, điểm tuyển sinh đầu vào của Khoa Du lịch luôn nằm trong top đầu so với các khoa khác. Đây là điều khẳng định vai trò, vị thế của Khoa đối với công tác đào tạo nhân lực cho ngành Du lịch. PGS.TS Phạm Thị Thu Hương mong muốn: “Với nền tảng đã xây dựng vững vàng trong 30 năm qua, Khoa Du lịch tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, phấn đấu trở thành cơ sở đào tạo có uy tín trong hệ thống giáo dục, đào tạo về du lịch của Bộ VHTTDL” .
Hoàng Trung Anh