Là quốc gia có hơn 1,4 tỷ dân, Trung Quốc được coi là thị trường khách quan trọng hàng đầu của Việt Nam và thế giới. Việc tìm kiếm những giải pháp để thu hút và khai thác hiệu quả, bền vững thị trường này là vấn đề cần thiết, cấp bách nhằm lấp "lỗ hổng" về lượng khách quốc tế đến Việt Nam, nhất là khi Trung Quốc vừa có quyết định mở cửa lại biên giới từ đầu năm 2023.
Du khách Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam
Năm 2019, có 155 triệu lượt khách Trung Quốc đã đi du lịch nước ngoài, chi tiêu 255 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới. Với Việt Nam, giai đoạn 2015-2019, Trung Quốc cũng luôn là thị trường gửi khách lớn nhất đạt mức tăng bình quân 34,4% mỗi năm. Năm 2019, khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt 5,8 triệu lượt, chiếm một phần ba tổng lượng khách quốc tế. Quyết định nối lại các hoạt động du lịch của Trung Quốc sau ba năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19 đang mở ra nhiều kỳ vọng cho sự phục hồi khách quốc tế tại Việt Nam, nhất là trong thời điểm du lịch quốc tế của nước ta tăng trưởng chưa đạt như kỳ vọng. Nhiều ý kiến cho rằng, đây chính là cơ hội để đón đầu thị trường khách Trung Quốc, tập trung thu hút dòng khách chất lượng cao, nâng tầm du lịch Việt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để làm được điều này, cần giải quyết những thách thức tồn đọng trong việc đón khách từ thị trường trọng điểm này.
Trao đổi tại Hội nghị "Giải pháp thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam" do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp Tổng cục Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức tại Móng Cái (Quảng Ninh), Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy cho biết: Giai đoạn trước dịch, hoạt động du lịch đón khách Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ tại Quảng Ninh đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, như việc các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, bị phía Trung Quốc ép giá, phải chấp nhận và chỉ đạo hướng dẫn viên ép khách mua thêm tua đến các điểm tham quan mua sắm, gây bức xúc, làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam. Cùng với đó là tình trạng một số doanh nghiệp có dấu hiệu hợp pháp hóa các chứng từ kế toán, hồ sơ đoàn khách để chống chế với cơ quan chức năng, có dấu hiệu trốn thuế, nhất là các doanh nghiệp có trụ sở chính đặt ngoài tỉnh Quảng Ninh. Thêm nữa là những vi phạm trong minh bạch nguồn gốc hàng hóa. Một số cửa hàng dùng các phương tiện, hình thức thanh toán của nước ngoài mà không qua cơ quan quản lý theo quy định. Việc bán hàng cho khách tại một số nơi diễn ra theo hình thức: điểm bán hàng tại Việt Nam chỉ là nơi giới thiệu sản phẩm, còn việc giao hàng được thực hiện tại nước ngoài...
Liên quan công tác hướng dẫn viên, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam còn cho hay: Có tình trạng một bộ phận hướng dẫn viên tiếng Trung không thực hiện đúng chuyên môn, chấp nhận làm "sitting guide" (hướng dẫn viên có thẻ được thuê để đi cùng đoàn nhưng không phải làm gì, chỉ cần xuất trình thẻ nếu bị kiểm tra) cho các trưởng đoàn người Trung Quốc, cùng đi theo đoàn thực hiện công việc hướng dẫn viên trái pháp luật. Những điều này khiến du khách Trung Quốc biết đến Việt Nam như một điểm đến du lịch giá rẻ, các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam khó tiếp cận trực tiếp để cung cấp đa dạng các sản phẩm đến khách hàng. Do đó, theo ông Cao Trí Dũng, thông qua đánh giá những bất cập và hạn chế trước đây, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần có các biện pháp tăng cường quản lý, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch trong nước phát triển và cạnh tranh lành mạnh, kiên quyết xử lý tình trạng tổ chức du lịch chui, cho mượn pháp nhân ăn chênh lệch, trốn thuế. Ðại diện nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng, đây là lúc vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước cần thể hiện rõ hơn, có biện pháp xử lý đủ sức răn đe đối với những đơn vị làm tua giá rẻ, tua 0 đồng để trốn thuế...
Trong bối cảnh xuất hiện những biến chủng Covid-19 mới, yêu cầu đặt ra đối với hoạt động đón khách du lịch quốc tế còn là chủ động sẵn sàng các phương án bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Theo đó, các công tác liên quan kiểm soát dịch trong hoạt động xuất, nhập cảnh cần được triển khai một cách linh hoạt, phù hợp điều kiện thực tế. Các hãng lữ hành và các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch cho du khách cũng cần có những biện pháp bảo đảm an toàn, theo sát tình trạng sức khỏe du khách để có hành động ứng phó kịp thời.
Trung Quốc không chỉ là nguồn khách lớn nhất của Việt Nam mà còn là thị trường trọng điểm của nhiều quốc gia trên thế giới. Vì thế, các chuyên gia cho rằng, khi nước này nối lại các hoạt động du lịch quốc tế, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ với nhiều điểm đến thế giới trong thu hút du khách Trung Quốc. Muốn tạo ra lợi thế cạnh tranh, nước ta cần có những giải pháp mang tính tổng thể dựa trên nghiên cứu sự thay đổi về thói quen, hành vi du lịch của du khách Trung Quốc sau đại dịch. Theo Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, giải pháp quan trọng là tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục nhập cảnh du lịch Việt Nam bằng đường bộ, đường không và đường thủy một cách thuận tiện nhất, đặc biệt với các địa phương có biên giới tiếp giáp Trung Quốc và giàu tiềm năng du lịch. Bên cạnh đó, cần kết nối, mở lại các đường bay thương mại tới các thành phố lớn, nhất là những sân bay, thành phố trước đây là trạm trung chuyển khách Trung Quốc đến Việt Nam sôi động nhất. Về công tác xúc tiến, quảng bá, Tổng cục trưởng nhấn mạnh, cần kết nối với các địa phương, doanh nghiệp, đối tác Trung Quốc trong việc giới thiệu, tổ chức cho khách Trung Quốc đi du lịch Việt Nam; tổ chức các chương trình gặp gỡ, khảo sát, giới thiệu sản phẩm du lịch, đón các đoàn famtrip, KOL từ thị trường Trung Quốc... Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tiếp cận thị trường Trung Quốc trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến ở đất nước này; phát triển trang web giới thiệu điểm đến, sản phẩm dịch vụ của địa phương, doanh nghiệp với phiên bản tiếng Trung để tiếp thị tới thị trường này…
Khẳng định vai trò của những sản phẩm du lịch mới đối với thu hút khách du lịch Trung Quốc, Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam Cao Trí Dũng đề xuất các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam phải tăng cường liên kết, hình thành đa dạng các nhóm sản phẩm từ giá rẻ đến cao cấp để cung cấp cho các đối tác, từ đó giảm thiểu cạnh tranh không lành mạnh, giảm sức ép và chi phối không tốt từ các đối tác như trước đây. Ông Dũng cũng lưu ý các nhà cung cấp dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, điểm mua sắm cần ổn định lại nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng để sẵn sàng phục vụ du khách Trung Quốc, bảo đảm cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, kiên quyết không cạnh tranh phá giá.
(Trang Anh Báo Nhân dân)