Một số vấn đề về khởi nghiệp trong sinh viên hiện nay

2023-08-12 00:48:33

Ở Việt Nam, giáo dục khởi nghiệp đang là vấn đề mới, nhiều trường đại học vẫn chưa có chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực này. Trong khi đó, đào tạo khởi nghiệp đã trở thành công việc đương nhiên của nhiều trường đại học trên thế giới.

Tại Mỹ, trường đại học kinh doanh Harvard (Mỹ) đã tổ chức khóa học khởi nghiệp đầu tiên bởi Giáo sư Myles Mace, vào năm 1947, và đã phát triển nhanh chóng và trên quy mô toàn cầu (Kuratko, 2005; Solomon, 2007). Đến năm 1970 có 16 trường đại học và cao đẳng tại Mỹ có đào tạo giáo dục khởi nghiệp (ĐTGDKN), năm 1975, con số này là khoảng 100 trường và tăng lên 250 vào năm 1985, và hơn 400 trường năm 1995. Đến những năm 2010, hơn 400.000 sinh viên Mỹ theo học môn khởi nghiệp tại hơn 9000 khoa dạy khởi nghiệp của nước này. Hiện có hơn 1.600 trường đại học và cao đẳng Mỹ cung cấp các khóa học và bằng cấp về ĐTGDKN. Theo sau Mỹ, các trường đại học của Canada bắt đầu cung cấp khóa học khởi nghiệp vào những năm 1970. Năm 1997, chính phủ Đức đã khởi xướng một sáng kiến khởi nghiệp tại các trường đại học, với mục tiêu giảng dạy khởi nghiệp và văn hóa kinh doanh. Trung Quốc đại diện cho một cường quốc mới nổi về KN. Các tổ chức quốc tế như OECD, Ủy ban châu Âu và các tổ chức khác đều nhận ra giá trị của GDKN. Trên phạm vi toàn cầu, trong ba thập kỷ qua GDKN đã phát triển mạnh mẽ, từ 600 trường cao đẳng và đại học …. Đến năm 1989, UNESCO chính thức đưa ra khái niệm "Chương trình khởi nghiệp". Sau đó, nhiều quốc gia đã đào tạo và cấp văn bằng khởi nghiệp cho 3 cấp cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Đến năm 2006, nước Mỹ đã có trên 500 trường đại học mở chuyên ngành khởi nghiệp. Tại nước Anh, trước năm 2010 đã có 45% trường đại học mở ra một hoặc nhiều chương trình khởi nghiệp. Các trường Oxford, Cambridge... là những trường đi đầu trong lĩnh vực này. Trong thập niên 1990 – 1999, Australia bắt đầu tổ chức giáo dục khởi nghiệp ở bậc đại học và sau đại học[3]…

       

Ý nghĩa, tầm quan trọng của khởi nghiệp đối với mỗi doanh nghiệp, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia và cả thế giới…mọi người đều đã biết, trong bài viết này tôi không nhắc lại. Với tư cách là người đã đào tạo, hướng dẫn, tư vấn, chấm điểm nhiều dự án khởi của các em sinh viên, ở nhiều hội đồng, nhiều Ban tổ chức cuộc thi khởi nghiệp khác nhau trên phạm vi cả nước, được phép của BTC, tôi xin có một số trao đổi tại Diễn đàn “Khởi nghiệp cho sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam” do Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia tổ chức hôm nay.

       Những năm gần đây, hệ sinh thái khởi nghiệp và các hoạt động KNĐMST tại Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ. Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch dịch Covid-19, nhưng nguồn đầu tư cho KNĐMST lại tăng cao nhất từ trước đến nay, đã có hơn 1,5 tỉ USD đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Cả nước hiện có hơn 1000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó, có 202 khu làm việc chung, 217 quỹ đầu tư, nhà đầu tư; 79 cơ sở ươm tạo khởi nghiệp; 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh...Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và lấy năm 2016 là “Năm khởi nghiệp Quốc gia”, để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong cả nước..[4]

       Một câu hỏi đặt ra, vì sao số đông sinh viên chưa “nhiệt tình” tham gia các hoạt động khởi nghiệp do các trường ĐH, CĐ phát động?, hoặc có tham tham gia nhưng “hời hợt”, “chiếu lệ” cho có..?. Theo một thống kê[5] cho biết, có đến 66,6%  sinh viên Việt Nam hiện nay chưa hề biết đến các hoạt động khởi nghiệp; 62% sinh viên được hỏi cho rằng các hoạt động khởi nghiệp hiện nay đang mang tính phong trào, chưa thực sự hiệu quả; có tình trạng trên, theo tôi, có thể do một số nguyên nhân:

Ý thức của từng sinh viên. Một bộ phận sinh viên hiện nay, ý thức trong học tập đang “có vấn đề”, cốt học cho xong, không có chí tiến thủ, hoặc học vì “bố mẹ”, học cốt để lấy “tấm bằng”…chứ không phải học vì tương lai, để hoàn thiện chính mỗi bản thân sinh viên…Vì vậy, khi nói tới phong trào khởi nghiệp trong sinh viên, các bạn này coi đó là của doanh nghiệp, của “tương lai xa”, của nhà trường…

      Khi được mời tham gia Ban Giám khảo chấm điểm các dự án khởi nghiệp của sinh viên ở một  trường ĐH ở Hà Nội, tôi thấy một số dự án của SV na ná giống nhau, chép của nhau (coppy), chứ không phải là tư duy, ý tưởng của cá nhân. Thậm chí, người chép còn không hiểu ý tưởng, nội dung dự án ra sao, chỉ thay mỗi tên tác giả và địa điểm triển khai dự án…nên sảy ra tình trạng dở khóc dở cười, ví dụ dự án: ‘nuôi xá sùng trên cao nguyên Mộc Châu” của một sinh viên nọ, khi chấm, căn cứ số điện thoại trên bìa dự án, tôi gọi điện cho sinh viên nọ và hỏi: “em có biết con xá sùng là con gì không”?, ấp úng một hồi rồi em trả lời tôi: “thưa thầy em không biết”, tôi hỏi tiếp: “em có biết con xá sùng sống ở đâu không”?, em trả lời: “em không biết”, và khi tôi nói con xá sùng chỉ sống ở môi trường nước mặn, bãi cát ven biển Quảng Ninh, khi thủy triều xuống người dân mang dụng cụ ra đào ở bãi cát để bắt xá sùng…thì em lại nói: “em tưởng quê em ở Mộc Châu cũng nuôi được con xá sùng”…Khi tôi hỏi tiếp, vì sao em đi chép dự án của bạn khác để nộp cho BTC cuộc thi, thì em trả lời: “ Chi đoàn phát động, mỗi người phải có một ý tưởng, một dự án…em không có ý tưởng, nên em phải đi chép của bạn để có dự án dự thi, để nhà trường chấm điểm phong trào cho chi đoàn em..”..

       Hoặc, một bộ phận không nhỏ SV có tư tưởng càng có nhiều bằng cấp càng tốt. Họ cho rằng nhiều bằng cấp sẽ dễ xin việc, làm cho các doanh nghiệp “choáng” và cơ hội thăng tiến của mình sẽ cao hơn. Một cuộc thăm dò về năng lực của kỹ sư và công nhân đưa ra một kết quả hoàn toàn bất ngờ và không như mong đợi: Hiệu quả công việc của các công nhân có tay nghề cao cao hơn các kỹ sư trong cùng một đợt tuyển dụng của công ty ( báo điện tử – Thời báo Kinh tế Sài Gòn). Kết luận này đã làm chấn động cả giới SV và cũng cho cả doanh nghiệp[6].

       Một điều dễ nhận thấy khác, các bạn SV đang thiếu kỹ năng làm việc nhóm “trầm trọng”. Theo kết quả điều tra (báo điện tử – Thời báo Kinh tế Sài Gòn), có khoảng 35% SV Khoa Quản lý Công nghiệp (TPHCM) cho rằng, làm bài tập nhóm mất nhiều thời gian quá, nhóm mà có 6 người thì trung bình chỉ có 2 đến 3 người làm mà thôi, những người khác quen thói ỷ lại, không chịu làm việc, hoặc làm cho xong, làm “lơ là” để đối phó cho xong…

     Sự thụ động của số đông các bạn SV đã kìm hãm sự năng động, linh hoạt, nhạy bén của tuổi trẻ. Sự thụ động biểu hiện rõ nhất là trong việc lựa chọn trường ĐH, CĐ cho riêng mình; hầu như các bạn chưa có một ý thức rõ ràng về những sở thích, cá tính, năng lực của bản thân để lựa chọn cho mình một ngôi trường ĐH, CĐ phù hợp. Các em thường chọn trường theo yêu cầu của bố mẹ, hoặc “bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy” như tuổi lên 2…Sự thụ động đã vô tình theo suốt các bạn sinh viên (SV) trong mấy năm học ĐH, CĐ, chưa nói đến tham gia các phong trào khởi nghiệp của nhà trường. Các bạn đã “lãng phí” quãng thời gian đẹp nhất trong môi trường sinh viên năng động, sáng tạo và đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, tuổi “mười bẩy bẻ gãy sừng trâu”…

     Và điều quan trọng, phần lớn các SV hiện nay rất yếu về “kỹ năng mềm”, rất thiếu về năng lực tư duy, năng lực sáng tạo. trong khi, đây là điều cần, bắt buộc phải có ở mỗi người, đặc biệt các bạn SV, “công dân toàn cầu” trong tương lai… nếu muốn tồn tại và phát triển. Môi trường ĐH, CĐ, là môi trường đào tạo con người toàn diện, cả kiến thức chuyên môn, kiến thức xã hội, và các kỹ năng trong cuộc sống đương đại…Nhưng một nhóm các bạn SV, coi chủ yếu đến trường ĐH, CĐ học kiến thức chuyên môn là xong, lấy được “tấm bằng” là hoàn thành niềm ước mơ của gia đình, của bản thân; Theo UNESCO, ba thành tố hợp thành năng lực của con người là: kiến thức, kỹ năng và thái độ, trong đó kiến thức chiếm 4%, kỹ năng chiếm 26 %, thái độ chiếm 70%.  

Vai trò của các trường ĐH, CĐ trong phong trào khởi nghiệp cho sinh viên.

       Trong hệ sinh thái khởi nghiệp, trường đại học là thành tố rất quan trọng. Bên cạnh chức năng đào tạo con người, vai trò của các trường đại học ngày càng trở nên quan trọng trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và hợp tác với khu vực doanh nghiệp để thương mại hóa, ứng dụng các kết quả khoa học và công nghệ. Các trường đại học mạnh là nguồn sản xuất tri thức và công nghệ cho xã hội, cung cấp ý tưởng sáng tạo dồi dào cho các dự án khởi nghiệp, đóng góp cho sự gia tăng tài sản và năng lực trí tuệ của các DN. Bên cạnh chức năng đào tạo con người, vai trò của các trường đại học ngày càng trở nên quan trọng trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và hợp tác với khu vực doanh nghiệp để thương mại hóa, ứng dụng các kết quả khoa học công nghệ. Trường đại học là thành tố quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

       Theo Founder Institute[7], trường đại học đóng vai trò quan trọng trong cả 3 giai đoạn chính của khởi nghiệp: Hình thành ý tưởng; phát triển sản phẩm và tăng trưởng. Ở giai đoạn đầu tiên, nhà trường, cụ thể là giảng viên và các đơn vị hỗ trợ đóng vai trò là những người truyền cảm hứng, cung cấp thông tin, giới thiệu những thành công, điển hình, kinh nghiệm, hỗ trợ phát triển đội nhóm thông qua thúc đẩy hợp tác liên ngành trong sinh viên.

Khi doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ, nhà trường cần cung cấp những kiến thức cơ bản cần thiết về kinh doanh như luật pháp, thuế, kế toán cho đến hỗ trợ nơi làm việc cho các nhà sáng lập doanh nghiệp. Đối với giai đoạn thứ ba, khi hệ sinh thái có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển tốt, trường đại học cần đóng vai trò tiên phong cung cấp những tài năng kinh doanh, nguồn lực chất lượng tốt với tư duy, kỹ năng và trải nghiệm hữu ích để doanh nghiệp tăng trưởng bền vững.

       Thực hiện Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. QĐ số 1230/QĐ-BGDĐT, ngày 30/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của ngành giáo dục. QĐ số 339/QĐ-BLĐTBXH, ngày 29/3/2023, của Bộ Trưởng Bộ LĐTB&XH, về việc phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Đến nay, hầu hết các trường ĐH, CĐ trong cả nước đều triển khai phong trào khởi nghiệp cho sinh viên, thể hiện ở một số chương trình cụ thể:

       2.1.Về phát động phong trào khởi nghiệp trong sinh viên. Hầu hết các trường ĐH, CĐ đều tổ chức phát động phong trào khởi nghiệp trong sinh viên. Như tôi biết, một số trường đã tổ chức rất tốt các nội dung hoạt động khởi nghiệp, như Học Viện Nông nghiệp, Đại học Ngoại Thương, Đại học Phenikaa, Học việc Chính sách phát triển (Bộ KH&ĐT)… Nhưng, không phải tất cả các trường đều nhận thức rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa của khởi nghiệp và triển khai tốt các nội dung hoạt động khởi nghiệp trong SV. Một số trường chưa thực sự coi trọng, đầu tư cho phong trào khởi nghiệp trong SV, hoặc một số trường lúng túng về “nội dung” triển khai phong trào, đặc biệt các trường ĐH, CĐ ở các tỉnh. Khi trao đổi với tôi, một số thầy cô trong ban lãnh đạo nhà trường đều tâm sự là không biết triển khai bắt đầu từ đâu?, không biết các nội dung hoạt động như thế nào?, và cuối cùng là kinh phí triển khai..

       Tháng 6 năm 2023, tôi được mời tham dự hội đồng xét duyệt đề tài khoa học năm 2024, một thầy giáo là phó hiệu trưởng một trường đại học lớn của một tỉnh trình bày đề cương: “nghiên cứu những vấn đề lý luận trong khởi nghiệp của sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh X”. Sau khi nghe trình bày đề cương, tôi hỏi: “thầy có phụ trách lĩnh vực gì trong nhà trường”, thầy trả lời: “ngoài lĩnh vực phân công, em còn phụ trách lĩnh vực khởi nghiệp của SV trong nhà trường”. Tôi nói: “hiện nay, các chính sách của Đảng, nhà nước và của Bộ GD&ĐT về khởi nghiệp trong sinh viên các trường đại học đã quá rõ, cả về cơ sở lý luận, nội dung triển khai và các bước tổ chức hoạt động khởi nghiệp trong sinh viên các trường ĐH, thầy không cần phải nghiên cứu về cơ sở lý luận của khởi nghiệp nữa, theo tôi thầy cần nghiên cứu tổ chức mô hình CLB hay vườn ươm khởi nghiệp trong trường của thầy sẽ có ý nghĩa thực tế hơn và sẽ là mô hình cho các trường ĐH, CĐ khác trong tỉnh học tập..”, thầy trả lời: “em ngại lắm..và không biết tổ chức như thế nào..”?.  

       2.2. Về hỗ trợ sinh viên xây dựng các Câu lạc bộ khởi nghiệp và tổ chức các vườn ươm khởi nghiệp trong các trường đại học.

        Vị trí của CLB sinh viên khởi nghiệp rất quan trọng, là nòng cốt trong phòng trào khởi nghiệp tại các trường ĐH. Đến nay, hầu hết các trường đều có các Câu lạc bộ sinh viên khởi nghiệp. Một số trường, các CLB thực sự đã đóng vai trò nòng cốt trong các hoạt động khởi nghiệp ở nhà trường. Các CLB này có tổ chức rõ ràng, có quy chế hoạt động minh bạch và đặc biệt có nội dung hoạt động phong phú, thiết thực, bổ ích…nên đã thu hút được đông đảo các bạn SV tham gia hoạt động CLB.

       Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo[8], Sau khi Đề án 1665 được triển khai, đến nay (2022), cả nước có khoảng 45 cơ sở đào tạo thành lập được các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; trong đó có hơn 10 trung tâm thực hiện việc ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên, 60% số các cơ sở đào tạo thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của mình ….Song trên thực tế, bên cạnh kết quả đã đạt được ở một số trường ĐH, còn ở nhiều trường, CLB sinh viên khởi nghiệp mới chỉ dừng ở mức sơ khai, hình thức, thiếu nội dung hoạt động, không có sức hút sinh viên tham gia CLB, ban chủ nhiệm CLB lúng túng, thiếu năng lực, thiếu quy chế hoạt động… về nguyên nhân, có thể do Ban Chủ nhiệm CLB không được đào tạo về kỹ năng hoạt động CLB, chưa có kinh nghiệm hoạt động, thiếu nhiệt tình, thiếu năng động sáng tạo….Cũng có thể do nguyên nhân thiếu sự quan tâm, chỉ đạo tạo điều kiện của lãnh đạo nhà trường…

         Vườn ươm khởi nghiệp trong các trường đại học ở VN được hình thành, phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Các vườn ươm khởi nghiệp đã có tác động tích cực đến việc thúc đẩy ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên các trường ĐH. Vườn ươm khởi nghiệp trong các trường ĐH là một bộ phận của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia với vai trò thúc đẩy và ươm tạo các ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong SV. Đây là mô hình hỗ trợ toàn diện được trường ĐH tài trợ hướng tới các nhóm khởi nghiệp SV khởi sự mới thành lập thông qua hoạt động cung cấp các dịch vụ dùng chung, đào tạo, hỗ trợ tài chính, tư vấn và hỗ trợ kêu gọi đầu tư…

      Vai trò của vườn ươm khởi nghiệp rất quan trọng, là nơi các bạn SV được tạo thêm cơ hội tốt tiếp cận thị trường, được cung cấp thông tin về thị trường. Là môi trường tạo dựng cho các bạn sinh viên nền tảng để hiện thực hóa ý tưởng sao cho nhanh nhất và tốn ít chi phí nhất. Với những hỗ trợ cơ bản từ phía các Vườn ươm khởi nghiệp, các bạn sinh viên sẽ có cơ hội tiến gần hơn tới ước mơ và xây dựng vững chắc doanh nghiệp của chính mình. Là nơi sẽ tập trung giúp đỡ các bạn sinh viên trong giai đoạn mới hình thành ý tưởng nhưng vẫn chưa có mô hình kinh doanh rõ ràng, cần được hướng dẫn cụ thể về các bước phát triển tiếp theo. Các hoạt động hỗ trợ từ vườn ươm bao gồm cố vấn về mô hình kinh doanh, định hướng chiến lược kinh doanh, cung cấp không gian làm việc. Vườn ươm cũng là nơi có thể đánh giá tính hiệu quả của các dự án, chỉ ra được điểm tích cực cũng như điểm cần cải thiện, sửa đổi trong dự án; từ đó có những phản hồi tới startup để việc hoạch định đạt hiệu quả tốt hơn… Nhưng, việc các trường ĐH xây dựng, thành lập vườn ươm khởi nghiệp là một khó khăn thực sự, ngoại trừ ĐH Bách khoa HN, ĐH Bách khoa TPHCM, Đại học Quốc gia HN, ĐH Ngoại thương ..có vườn ươm hoặc trung tâm khởi nghiệp, còn hầu hết các vườn ươm khởi nghiệp đều thuộc các tổ chức quốc tế. Tính đến nay, cả nước có 79 cơ sở ươm tạo, 29 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, khoảng 138 trường đại học/cao đẳng hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 43 trường đại học thành lập vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ khởi nghiệp lâu dài[8]…

      Nhu cầu cần hỗ trợ đối với các hoạt động khởi nghiệp của sinh viên là rất cao: 78% sinh viên mong muốn nhận được các hoạt động hỗ trợ từ bậc học trung học phổ thông, 22% cho rằng cần nhu cầu hỗ trợ từ bậc đại học, 66% sinh viên cho rằng cần đưa kỹ năng khởi nghiệp thành một môn học riêng, 34% cho rằng nên lồng ghép vào các môn học khác. 88% số lượng sinh viên được hỏi cho rằng trong các nhà trường cần có các trung tâm hoặc vườn ươm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp[8 ]...

       Để giải bài toán vườn ươm khởi nghiệp, đáp ứng nhu cầu của các bạn sinh viên, theo tôi, các trường ĐH không nhất thiết bắt buộc trường nào cũng phải có các vườn ươm hay trung tâm khởi nghiệp… (trừ những trường có điều kiện). Cái mà các trường ĐH cần là phải có các CLB sinh viên khởi nghiệp hoạt động thực sự hiệu quả và phát triển các mối quan hệ giữa nhà trường với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần (chỉ có nhà trường mới đủ tư cách pháp nhân để kết nối).. để tìm kiếm “bệ đỡ”  về tài chính cho các dự án khởi nghiệp của SV.

       Đồng thời, các trường ĐH cần tổ chức các diễn đàn, cuộc thi khởi nghiệp… nhằm liên kết, kết nối ý tưởng khởi nghiệp của SV với các quỹ, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, chuyên gia cố vấn để tìm “bệ đỡ” hỗ trợ sinh viên trong trường khởi nghiệp một cách tốt nhất…

        2.3. Đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo kiến thức về khởi nghiệp cho sinh viên.

       Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo[8], Sau khi Đề án 1665 được triển khai, đến nay (2022) tỷ lệ cơ sở giáo dục đại học đưa khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn, tăng từ 30% cuối năm 2020 lên 33% cuối năm 2021, cuối năm 2022 đã tăng lên 48%; 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp; 100% các cơ sở đào tạo xây dựng các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên thông qua các diễn đàn, tuần sinh hoạt công dân đầu khóa…Bên cạnh kết quả đạt được, việc đào tạo về khởi nghiệp cho SV đã bộc lộ những hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ tới phong trào khởi nghiệp trong các trường ĐH:

     - Các thầy cô trong các trường ĐH, là những người truyền đạt kiến thức về khởi nghiệp cho SV, những người này phải hiểu sâu sắc về khởi nghiệp mới truyền đạt được kiến thức về KN cho sinh viên…Nhưng thực tế, theo đánh giá của cá nhân tôi, nhiều thầy cô cũng chưa hiểu sâu về khởi nghiệp?, bản chất của khởi nghiệp là gì?, khởi nghiệp trong SV khác với khởi nghiệp của doanh nghiệp, khởi nghiệp của phụ nữ như thế nào?...Vì vậy, chất lượng môn học khởi nghiệp trong các trường ĐH không cao.

       - Nội dung đào tạo về khởi nghiệp. Cho đến nay, vẫn chưa có một bộ giáo trình hay quy trình chuẩn thống nhất về nội dung đào tạo, thời gian đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên trong các trường đại học. Chương trình đào tạo, nội dung đào tạo, thời gian đào tạo… vẫn do các trường “tự biên tự diễn”. Nên có trường hợp (không phải ít) các thầy cô bê nguyên nội dung giáo trình quản trị doanh nghiệp ra đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên (có cắt bớt ngắn đi), hoặc có trường hợp bê nguyên nội dung đào tạo nâng cao cho doanh nghiệp…để đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên.

      Thực tế tôi đã gặp ở một trường đại học, theo sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, nhà trường đã phát động cuộc thi khởi nghiệp trong sinh viên năm học 2022 – 2023. Khi đó cả thầy, cô giáo và các em sinh viên không biết bắt đầu từ đâu? (thời gian từ khi phát động đến chung kết không đến 2 tháng). Khi nhà trường liên hệ với tôi, tôi nói xin các thầy bố trí ít nhất khoảng 3 buổi tôi mới nói hết những ý cơ bản về khởi nghiệp: Tại sao phải khởi nghiệp?, thế nào là khởi nghiệp?, muốn khởi nghiệp phải bắt đầu từ đâu?, thế nào là ý tưởng?, tìm ý tưởng khởi nghiệp ở đâu?, tổ chức đội nhóm trong khởi nghiệp ra làm sao?, huy động tài chính ở đâu?, quản trị khởi nghiệp như thế nào?....Rồi quy trình, trình tự tổ chức cuộc thi khởi nghiệp trong sinh viên ở một trường đại học như thế nào…?. Nhưng các thầy cô nói với tôi: “chúng em gấp lắm rồi, xin thầy hướng dẫn chúng em một buổi thôi, cả thày trò và sinh viên chúng em cùng nghe một thể”…tôi phải làm theo yêu cầu của các thầy cô…

       - Về đội ngũ tư vấn khởi nghiệp cho sinh viên. Theo Bộ GD&ĐT[8], hiện nay, cả nước có 200 cán bộ tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo; có khoảng 45 cơ sở đào tạo, và Bộ đã phối hợp với hơn 50 doanh nghiệp trong nước, tổ chức quốc tế tại Việt Nam đồng hành trong việc hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên làm công tác tư vấn khởi nghiệp; đào tạo kỹ năng khởi nghiệp, kinh doanh và kỹ năng công nghệ kinh doanh trên nền tảng số cho học sinh, hình thành cho học sinh những kỹ năng nghề nghiệp trong thời đại công nghệ…

        Đội ngũ tư vấn khởi nghiệp là phần quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Tư vấn là người có thể chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm khởi nghiệp, những bài học thất bại và thành công, giúp cho sinh viên có thêm niềm tin, động lực, tinh thần khởi nghiệp. Lý tưởng nhất để trở thành người tư vấn khởi nghiệp là những doanh nhân thành công, giàu kinh nghiệm và nhiều trải nghiệm. Họ không nhất thiết phải có những thành tựu kinh doanh đồ sộ, những kinh nghiệm thương trường, những va chạm thực tế trong công việc kinh doanh, khởi nghiệp, những mối quan hệ làm ăn, mạng lưới kết nối kinh doanh…là những nguồn tài nguyên cực kỳ quý báu đối với sinh viên, những người mới bước chân vào con đường khởi nghiệp, lập nghiệp. Người tư vấn ngoài kiến thức chuyên môn, cần có kiến thức xã hội sâu, rộng, kiến thức quản lý, luật pháp…còn là người biết nắm bắt xu hướng phát triển của kinh tế, xu hướng thị trường, mô hình tổ chức hợp lý, khoa học…để tư vấn cho sinh viên lựa chọn. Thậm chí, khi sinh viên mới có ý tưởng sơ khai, người tư vấn đã biết khả năng phát triển, tính khả thi, khả năng mở rộng thị trường của ý tưởng để hun đúc truyền lửa, thậm chí vạch ra hướng đi, các bước đi phù hợp với thực tiễn và năng lực hiện có của sinh viên trong quá trình khởi nghiệp.

       Nhưng trong thực tế, hầu hết các trường đều thiếu đội ngũ chuyên gia, đội ngũ tư vấn, cho các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên. Các thầy cô trong trường khó có thể làm tốt vai trò cho các ý tưởng , dự án của sinh viên (trừ một số ít các thầy cô), bởi nhiệm vụ chính của các thầy cô là truyền đạt kiến thức chuyên môn cho sinh viên, họ chưa một ngày kinh doanh, chưa một ngày làm doanh nghiệp và chưa giờ làm chủ tài khoản một doanh nghiệp…nên khó có thể tư vấn giỏi cho các ý tưởng, dự án của sinh viên. Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia cần hỗ trợ các trường ĐH về đội ngũ chuyên gia, tư vấn, giúp cho ý tưởng khởi nghiệp của các bạn sinh viên sớm trở thành hiện thực.

       Tôi nhớ, cách đây khoảng 4 năm, khi tham gia ban giám khảo, một sinh viên đã đưa ra dự án “xe thực phẩm”, một số thành viên BGK đều cho rằng dự án không có tính khả thi…Nhưng với tôi, dự án có tính khả thi rất cao, tính xã hội rất lớn, nếu dự án được triển khai sẽ góp phần: 1) làm giảm ùn tắc giao thông trên các đường phố. Do nhu cầu mua bán thực phẩm hàng ngày của người dân, và do tính tiện lợi dừng xe ven đường phố là có thể mua được thực phẩm, nên chợ cóc tràn lan vỉa hè, đường phố, gây ách tắc giao thông. 2) Góp phần làm đẹp mỹ quan thành phố. Khi nhu cầu thực phẩm của người dân được cung cấp thuận tiện bằng các “xe thực phẩm” chuyên dụng ngay tại khu chung cư, tại cơ quan công sở, tại tổ dân phố…thì chợ cóc sẽ giảm. 3) Góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe cho người dân. “xe thực phẩm” sẽ cung cấp cho người dân các loại thực phẩm có địa chỉ sản xuất rõ ràng, và họ chịu trách nhiệm về chất lượng thực phẩm mà họ cung cấp, không như các “chợ cóc” chẳng ai chịu trách nhiệm…tiếc rằng dự án không có doanh nghiệp làm “bà đỡ” nên đã không tồn tại. Nhưng hiện nay, mô hình “xe thực phẩm” đang phát triển rất nhanh ở Hà Nội, đi đến đâu, dọc đường, nhất là khu công sở, khu chung cư, chúng ta đều bắt gặp các “xe cà phê giải khát” lưu động, “xe sầu riêng” , “xe bán hoa quả”, và cả “xe phụ kiện điện thoại” lưu động…Và báo chí đã thông tin, có một doanh nghiệp đang đề nghị TP Hà Nội cho phép thực hiện dự án “bán hàng các mặt hàng thực phẩm” lưu động trên 150 xe, khắp thành phố…

          Trong hệ sinh thái khởi nghiệp, ngoài yếu tố chủ thể sinh viên và các trường ĐH, còn các yếu tố khác cấu thành, như cơ chế chính sách, các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp, ý thức xã hội và trách nhiệm gia đình (theo một nghiên cứu, Hiện chỉ 2-3% học sinh, sinh viên ở Việt Nam khởi nghiệp. Trong khi đó nhiều phụ huynh hỏi dạy học sinh, sinh viên khởi nghiệp làm gì, chỉ cần học tốt là đủ..[9]).… cũng có tác động không nhỏ tới phong trào khởi nghiệp của quốc gia, của mỗi trường đại học.

HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VIỆT

Trong phạm vi bài viết, tôi chỉ nêu 2 nhân tố quan trọng cấu thành hệ sinh thái khởi nghiệp, những ý kiến trên là góc nhìn và nhận xét của cá nhân.

3. Một số kiến nghị   

Một là, các nhà trường cần giáo dục, nâng cao nhận thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức xã hội…và đặc biệt là thái độ trong học tập, nghiên cứu và tham gia các hoạt động khởi nghiệp, hoạt động xã hội của mỗi sinh viên ngày một hoàn thiện.

Hai là, Bộ GD&ĐT cần thiết kế, xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp, thiết thực, giúp cho SV nhận thức rõ ràng hơn về hoạt động khởi nghiệp. Các chương trình đào tạo này cần trang bị cho SV những kiến thức cơ bản về khởi nghiệp, như: khởi nghiệp là gì, vai trò của hoạt động khởi nghiệp, các bước xây dựng và triển khai ý tưởng khởi nghiệp… Cần sử dụng linh hoạt những phương pháp giảng dạy sáng tạo, áp dụng các trò chơi mô phỏng hoạt động kinh doanh để SV có thể phát triển tư duy sáng tạo và thực hành phản xạ đối với những tình huống kinh doanh…(chương trình đào tạo về khởi nghiệp cần có 2 phần, phần cứng là những kiến thức chung, cơ bản, thống nhất về nội dung, chương trình đào tạo; phần mềm do các trường ĐH tự quyết định cho phù hợp với đặc thù từng trường, từng lĩnh vực SV học tập..). 

Ba là, nhà trường cần tích cực tổ chức các hoạt động thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho SV, tạo môi trường thúc đẩy ý tưởng khởi nghiệp của SV (CLB, diễn đàn, hội thi khởi nghiệp…). 

Bốn là, các nhà trường cần quan tâm tới hoạt động của các CLB khởi nghiệp thông qua tập huấn, đào tạo cho đội ngũ ban chủ nhiệm CLB…Từ đó có thể tiến tới xây dựng các vườn ươm khởi nghiệp trong nhà trường. Tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất cho các vườn ươm, như xây dựng các không gian làm việc chung, các phòng hội thảo, gặp gỡ đội ngũ chuyên gia, cố vấn… để SV tìm hiểu, phát triển ý tưởng khởi nghiệp.

 Năm là, nhà trường cần phát triển các mối quan hệ đa phương với doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần… để xây dựng các quỹ hỗ trợ về tài chính cho các dự án khởi nghiệp của SV.

Sáu là, chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ cố vấn, nhằm hỗ trợ ý tưởng khởi nghiệp của SV ngày một tốt hơn. Tổ chức đào tạo nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên trong trường và liên kết chặt chẽ với Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia để hỗ trợ đội ngũ giảng viên và hỗ trợ chương trình đào tạo khởi nghiệp cho SV.

Bẩy là, Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia cần phát huy thế mạnh, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, nâng cao năng lực hỗ trợ các trường trong công tác cố vấn, đào tạo và liên kết với các tổ chức trong nước và quốc tế ngày một tốt hơn…

Hiện nay, khởi nghiệp không còn là vấn đề xa lạ đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục. Vì vậy, thúc đẩy và phát huy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên sẽ giúp các em thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm để biến ý tưởng thành hiện thực. Thái độ tích cực đốì với khởi nghiệp, là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy ý định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên. Thời gian qua, các trường đại học, cao đẳng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động, giải pháp để thúc đẩy ý định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên, bởi họ là nhóm tinh hoa, có tri thức và được đào tạo bài bản. Trong bôi cảnh phát triển kinh tê hiện nay, sinh viên được xem là có lợi thế hơn khi thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp…họ là người chủ đất nước của tương lai….

Trách nhiệm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong sinh viên không chỉ riêng nhà trường mà là của toàn xã hội, của cộng đồng, doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà nước và cả gia đình./.

TS. Trần Duy KhanhViện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC[1]

Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp Quốc gia[2]

 

 

THAM KHẢO:

[1]. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

[1]. Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia.

[3]. Entrepreneurship Education: A Global Consideration From Practice to Policy. 56.

[4]. Nguyễn Thị Thu Trang, Lưu Thúy Hạnh (2020). Vai trò của VƯDN trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp - Trường hợp của Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU (FIIS). Tạp chí Kinh tế đối ngoại, số 113, tháng 3/2020.

[5]. Quán, T. V. A. (2020). Chính sách phát triển các vườn ươm doanh nghiệp tại các trường đại học của Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Luận văn thạc sĩ, Đại học Quốc Gia Hà Nội, Việt Nam.

[6]. Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 5/2021.

[7]. The Founder Institute is the world's most proven network to turn ideas into fundable startups, and startups into global businesses. Since 2009, our structured

[8]. Ngô Thị Minh, Thứ trưởng, ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V (SV-STARTUP 2023), Huế 2023.

[8]. Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên, Báo Nhân dân, ngày 05/8/2023.

Co loi xay ra
Co loi xay ra
Ago Mom cải thiện khả năng thụ thai, tình trạng hiếm muộn ở phụ nữ
Ago Dad hỗ trợ sức khỏe sinh sản nam giới bổ sung dưỡng chất cần thiết, tăng cường sức khỏe, bổ thận và ích tinh cho nam giới