Công nghệ blockchain có thể ứng dụng trong nông nghiệp giúp quản lý chuỗi cung ứng, đảm bảo minh bạch, chất lượng và an toàn thực phẩm khi đưa ra thị trường.
Từ một thuật ngữ công nghệ xa lạ, hiện nay, công nghệ blockchain đã được ứng dụng nhiều mặt, đặc biệt trở thành công cụ hữu ích trong việc minh bạch hóa thông tin trong ngành nông nghiệp Việt Nam.
Trước đó, vào năm 2022, lần đầu tiên trong lịch sử, người nông dân Việt được trả bảo hiểm thời tiết cho cây trồng qua ứng dụng của công nghệ blockchain. Đây là giải pháp ứng dụng chỉ số thời tiết dựa trên blockchain có khả năng tự động hóa việc giải quyết yêu cầu bảo hiểm của người nông dân trồng lúa lần đầu tiên triển khai ở Việt Nam.
Đón đầu xu hướng minh bạch thông tin
Khi được hỏi về khái niệm của blockchain, bà Nguyễn Thị Thu Liên - Chuyên gia tư vấn chiến lược kiêm Trưởng ban Văn phòng Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) tại Hà Nội giải thích, một cách nôm na, blockchain là một chuỗi liên kết các dữ liệu được “khóa” và không thể thay đổi. Dữ liệu có sự nhất quán theo trình tự thời gian vì không thể xóa hoặc sửa đổi chuỗi.
Theo bà Liên, đưa thông tin lên blockchain giống như việc đổ bê tông, muốn thay đổi chỉ còn cách đập tan hoặc phá bỏ. Do đó, khi các nhà sản xuất chấp nhận “khóa” các thông tin qua blockchain thì họ phải có sự tin tưởng, chắc chắn tuyệt đối với sản phẩm, chất lượng, các chứng chỉ kèm theo.
Ông Nguyễn Phi Hiệp - CEO Liên minh HTX Kinh tế số Việt Nam (VDECA) cho biết: “Giữa blockchain và nông nghiệp có một sợi dây nối vô hình. Chúng ta có thể có thể ứng dụng công nghệ trên trong nông nghiệp để giúp quản lý chuỗi cung ứng các sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo tính minh bạch, chất lượng và an toàn thực phẩm khi đưa ra thị trường cho người tiêu dùng”.
Theo đó, sử dụng blockchain sẽ giúp thông qua quản lý nguồn gốc và thông tin sản phẩm; xác thực chứng chỉ như chứng chỉ hữu cơ, VietGap, GlobalGap,..; quản lý chuỗi cung ứng; giám sát chất lượng và an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, blockchain còn có thể ứng dụng trong quản lý tài sản nông nghiệp, bao gồm các tài sản như đất, cây trồng và động vật. Các thông tin liên quan đến việc sở hữu và quản lý tài sản này sẽ được lưu trữ trên blockchain và các bên liên quan có thể truy cập vào các thông tin này để quản lý tài sản nông nghiệp một cách hiệu quả hơn.
Theo ông Hiệp, tại Liên minh HTX Kinh tế số Việt Nam, blockchain được sử dụng để quản lý và truy xuất nguồn gốc các thông tin về sản xuất nông sản.
Cụ thể, VDECA đã triển khai một hệ thống quản lý chuỗi cung ứng nông sản cho phép các bên liên quan bao gồm các nhà sản xuất, các đơn vị vận chuyển và các nhà bán lẻ đến người tiêu dùng cuối, trao đổi thông tin về nguồn gốc và quá trình sản xuất sản phẩm một cách minh bạch và đáng tin cậy.
“Khi một sản phẩm nông sản được sản xuất, thông tin về sản phẩm đó sẽ được ghi lại trên blockchain. Các thông tin này bao gồm ngày sản xuất, địa điểm sản xuất, thông tin về giống cây trồng, các phương pháp trồng trọt được sử dụng, thời gian thu hoạch và nhật ký sản xuất.
Khi sản phẩm được vận chuyển đến các đơn vị bán lẻ, thông tin về vận chuyển và lưu trữ cũng sẽ được ghi lại trên blockchain và người tiêu dùng có thể dễ dàng truy cập để theo dõi dựa vào thông tin khi quét từ mã tem”, ông Hiệp nói.
Theo chia sẻ của ông Vũ Hồ Vũ - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Đầu tư Digital Kingdom, với công nghệ blockchain, tất cả những lệnh khi sinh ra đều được đồng bộ tự động về sổ cái, không thể thay đổi, luôn dính đến người tạo ra nó và chỉ cho phép thông báo lệnh thay thế khi cần chỉnh sửa thông tin.
Chia sẻ về những thành tựu đạt được, ông Vũ cho biết, ngay trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, dù gặp nhiều khó khăn do giãn cách nhưng hơn 2.500 tấn sầu riêng, 100 tấn khoai lang, 80 tấn bưởi, 200 tấn xoài, chôm chôm, vải… đã được hỗ trợ tiêu thụ với tổng giá trị đơn hàng lên đến hơn 300 tỷ đồng nhờ sử dụng công nghệ blockchain.
Tạo sự tin tưởng với công nghệ blockchain
Nói về những lưu ý khi sử dụng công nghệ này, theo bà Liên, blockchain là một công cụ, do đó công cụ tốt hay xấu đều dựa vào người sử dụng và mục đích sử dụng. “Blockchain cũng như một con dao, người đầu bếp có thể dùng nó để tạo nên bữa ăn ngon, ngược lại nếu vào tay tội phạm có thể sẽ làm điều xấu", bà Liên nêu ra ví dụ.
Mặc dù là có nhiều ưu điểm nhưng theo đại diện VDECA, blockchain là công nghệ mới đối với người nông dân để áp dụng vào lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, để tránh những rủi ro trong quá trình sử dụng, người nông dân cần hiểu rõ về công nghệ blockchain và cách hoạt động của nó để có thể sử dụng nó một cách hiệu quả.
“Họ cũng nên có kiến thức về các khái niệm cơ bản như blockchain, giao dịch, khối, mã hóa và chữ ký điện tử”, ông Hiệp nói.
Một yếu tố cũng được vị đại diện VDECA nhấn mạnh là vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân. Việc sử dụng blockchain trong nông nghiệp có thể đòi hỏi người nông dân phải cung cấp thông tin cá nhân của mình. Vì vậy, cần đảm bảo rằng thông tin được bảo vệ và không bị lộ ra ngoài. Đồng thời sử dụng các dịch vụ blockchain đã được chứng nhận và tin cậy.
Cuối cùng, đại diện Liên minh HTX Kinh tế số Việt Nam nhấn mạnh: “Tạo ra sự tin tưởng trong người nông dân là một yếu tố quan trọng để khuyến khích họ sử dụng công nghệ blockchain”.
Các tổ chức và cơ quan quản lý có thể thiết lập các tiêu chuẩn và quy định để đảm bảo tính minh bạch và đáng tin cậy trong việc sử dụng công nghệ này trong nông nghiệp. Ngoài ra, tạo ra các chứng chỉ và chứng nhận cho các sản phẩm được quản lý bằng công nghệ blockchain cũng có thể giúp tăng sự tin tưởng của người nông dân.
Theo Nguyễn Phương Anh
(Nguoiduatin)