Tham vọng tái thiết doanh nghiệp nhà nước của Indonesia

2023-08-10 12:29:59

Siết quản trị, sáp nhập và đưa lên sàn, Indonesia tham vọng tái thiết khối doanh nghiệp nhà nước để đạt mục tiêu thành nước phát triển vào 2045.

"Chúng tôi muốn thúc đẩy nhiều doanh nghiệp nhà nước (SOE) của mình trở thành những người chơi toàn cầu", Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia Erick Thohir nói hồi tháng 6, nhân dịp thành lập chi nhánh Hong Kong của Indonesia Incorporated - nền tảng xúc tiến đầu tư để các SOE của Indonesia vươn ra thế giới.

Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và một trong những thị trường vốn năng động nhất ở Đông Nam Á. Nửa đầu năm nay, thị trường IPO của nước này đứng thứ tư toàn cầu về số vốn huy động được, theo dữ liệu từ nền tảng tài chính Dealogic.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo bổ nhiệm ông Thohir làm Bộ trưởng SOE năm 2019. Nhà lãnh đạo 53 tuổi này kể từ đó đã tiến hành các cải cách SOE sâu rộng. Từ cải thiện quản trị doanh nghiệp bằng cách tăng cường quy định tài chính đến thành lập các cụm doanh nghiệp nhà nước để tăng sức mạnh tổng hợp. Kế hoạch chuyển đổi SOE hiện đã bước vào giai đoạn tái cấu trúc, tập trung vào việc củng cố và tạo ra các cơ hội hợp tác.

Từ tháng 1, số SOE ở Indonesia đã được sắp xếp lại còn 41 từ 142 vào năm 2020. Trong lộ trình 2024-2034, nước này đặt mục tiêu hợp nhất chúng thành 30 công ty. Khối doanh nghiệp nhà nước được xác định đóng vai trò chính trong mục tiêu đưa Indonesia thành quốc gia phát triển vào năm 2045.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (bên phải ngoài cùng), Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước Erick Thohir (thứ hai từ phải sang) và các quan chức khác đi trên tuyến đường sắt nhẹ mới (LRT) của Jakarta ngày 3/8. Ảnh: VCG

Kế hoạch đầy tham vọng

Tại trung tâm mua sắm Sarinah ở Jakarta, các sản phẩm truyền thống được trưng bày ở tầng một, trong khi tầng 14 là văn phòng của InJourney, dự án hàng đầu trong nỗ lực cải cách SOE. Ra đời năm 2021, công ty là kết quả hợp nhất nhiều công ty nhà nước liên quan đến du lịch, hàng không và khách sạn thành "nhóm hệ sinh thái thuộc sở hữu nhà nước trong lĩnh vực hàng không và du lịch" đầu tiên.

Mục tiêu của Indonesia là đưa thêm nhiều SOE vào Fortune Global 500. Đến năm ngoái, chỉ có một công ty của nước này nằm trong danh sách. "Nếu tích cực chuyển đổi, khả năng chúng tôi có đến 20 công ty vào danh sách", ông Thohir nói.

Theo một tài liệu năm 2021 của Bộ này gửi Ngân hàng Phát triển Châu Á, trong thời gian dài, khu vực doanh nghiệp nhà nước của Indonesia đối mặt các vấn đề như chồng chéo hoạt động kinh doanh cốt lõi, quản trị lỏng lẻo và hiệu quả hoạt động không đạt yêu cầu. Tham nhũng cũng đã hoành hành.

Nhận thức được những vấn đề này, Thohir coi việc xây dựng quản trị doanh nghiệp minh bạch, huy động vốn và tìm kiếm các đối tác chiến lược là ba trọng tâm chính khi cải tổ khối doanh nghiệp nhà nước. Ông cũng kỳ vọng các công ty Indonesia đóng vai trò chính trong việc khôi phục chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh kinh tế bất ổn. "Indonesia có tài nguyên thiên nhiên và thị trường lớn với 280 triệu dân. Chúng ta có thể cân bằng tình hình thế giới", ông nói.

Trước khi gia nhập chính quyền Widodo, ông Thohir đã có kinh nghiệm lãnh đạo một số công ty truyền thông, trong đó có Tập đoàn Mahaka do ông thành lập năm 1992. Từng là chủ sở hữu của gã khổng lồ bóng đá Italy Inter Milan, Thohir cũng là chủ tịch của Hiệp hội bóng đá Indonesia.

Cha của Thohir là nhà sáng lập Tập đoàn TNT và kiếm bộn tiền từ nhiều lĩnh vực kinh doanh bao gồm bất động sản, năng lượng và khai thác mỏ. Anh trai của Thohir, người xếp thứ 15 trong Danh sách 50 tỷ phú giàu nhất Indonesia năm 2023 của Forbes, là Giám đốc điều hành của Adaro Energy Indonesia Tbk PT, công ty khai thác than lớn thứ hai đất nước.

Tận dụng thị trường vốn

Là một phần của quá trình chuyển đổi SOE, Indonesia đang thúc đẩy nhiều doanh nghiệp nhà nước niêm yết lên sàn. Ông Thohir tin rằng tính minh bạch và quản trị tốt có thể giúp loại bỏ một số ấn tượng tiêu cực liên quan đến SOE và tạo thêm niềm tin cho các công ty muốn hợp tác với họ.

Tính đến ngày 10/7, 40 công ty đã huy động được tổng cộng 2,9 tỷ USD trên thị trường IPO của Indonesia trong năm, theo Dealogic. Năm nay, nước này có thị trường IPO lớn thứ hai ở châu Á về số vốn huy động được, sau Trung Quốc đại lục, vượt qua Hong Kong.

Không chỉ huy động trên thị trường chứng khoán nội địa, Sở giao dịch chứng khoán Indonesia (IDX) và Hong Kong Exchanges and Clearing (HKEX) - công ty vận hành sàn giao dịch chứng khoán đặc khu, đã ký ghi nhớ hợp tác tháng trước để thúc đẩy các cơ hội niêm yết xuyên biên giới.

Trong khi IDX hy vọng "củng cố vị thế toàn cầu của thị trường vốn Indonesia", Giám đốc điều hành HKEX Nicolas Aguzin cho biết mục tiêu hợp tác là "kết nối vốn với các cơ hội". Người này ca ngợi Indonesia là "một trong những nền kinh tế sáng tạo nhất khu vực, với tài năng tiên phong trong nền kinh tế mới".

Indonesia cũng đang trong quá trình đàm phán với một tập đoàn đa ngành lớn tại Hong Kong để hình thành một liên minh chiến lược trong ngành chăm sóc sức khỏe. Đất nước có nguồn dự trữ nickel lớn nhất thế giới này còn hy vọng phát triển hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực mới và xe điện.

Swati Chopra, Giám đốc điều hành bộ phận chứng khoán thị trường mới nổi tại Franklin Templeton Investments, cho biết thị trường vốn Indonesia đang chứng kiến sự tham gia ngày càng tăng của các nhà đầu tư cá nhân và dòng vốn nước ngoài. "Tầm quan trọng của Indonesia trong các khoản đầu tư vào thị trường mới nổi cũng tăng lên", chuyên gia đánh giá.

Phiên An (theo Caixin)

Co loi xay ra
Co loi xay ra
Ago Mom cải thiện khả năng thụ thai, tình trạng hiếm muộn ở phụ nữ
Ago Dad hỗ trợ sức khỏe sinh sản nam giới bổ sung dưỡng chất cần thiết, tăng cường sức khỏe, bổ thận và ích tinh cho nam giới