Tiêm filler (chất làm đầy) là một phương pháp làm căng da với chi phí thấp hơn so với các loại hình phẫu thuật khác. Nó thậm chí không được coi là một phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ, và bởi sự đơn giản, nhanh chóng, hình thức này đang được khá nhiều phụ nữ lựa chọn.
Nếu bạn mong muốn có một làn da căng mọng, trẻ đẹp hơn, dưới đây là những kiến thức cơ bản mà bạn nên nắm rõ trước khi quyết định tiêm filler.
1. HA là chất filler được yêu thích nhất
HA (viết tắt của Hyaluronic Acid) là một thành phần quen thuộc với các tín đồ dưỡng da. HA cũng là một chất có sẵn trong cơ thể người, có tác dụng hút ẩm, duy trì độ ẩm, từ đó khiến da căng mọng hơn. HA hiện được coi là thành phần filler tốt nhất hiện nay, vì nó không chỉ làm căng da tức thì mà còn bù đắp được khả năng tự sản sinh HA của cơ thể.
2. Hiệu quả kéo dài 3-6 tháng
Không có tác dụng lâu dài như phẫu thuật thẩm mỹ, việc tiêm filler chỉ có hiệu quả trong khoảng 3 tới 6 tháng. Sau đó, HA sẽ tự tan dần trong cơ thể. Đây có thể vừa là ưu điểm, vừa là nhược điểm của việc tiêm filler. Ví dụ nếu bạn chỉ muốn thử chạy theo mốt “môi dày” trong vài tháng thì việc tiêm filler là một phương pháp lý tưởng, sau đó đôi môi sẽ trở về hình dáng ban đầu. Nhưng nếu bạn muốn kéo dài tuổi thanh xuân vĩnh viễn trên khuôn mặt, bạn sẽ phải đi tiêm filler ít nhất 2 lần mỗi năm.
3. Nếu tiêm filler đúng cách, nét mặt sẽ rất tự nhiên
Các bác sĩ có tay nghề tốt sẽ biết chọn liều lượng filler thích hợp để tạo được hiệu quả tự nhiên nhất, khiến người khác không nhận ra là bạn đã tiêm filler. Ví dụ như nếu tiêm filler làm đầy môi đúng cách, thậm chí chính bạn cũng không nhận thấy đôi môi mình căng mọng hơn, nhưng mỗi khi thoa son sẽ thấy quyến rũ hơn hẳn so với trước kia. Hoặc khi bạn tiêm filler làm mờ nếp nhăn quanh mắt, mọi người sẽ không có cảm giác mắt bạn bị sưng lên hay thiếu biểu cảm, mà sẽ tưởng như bạn mới chọn được loại phấn mắt đẹp hơn, làm đôi mắt sáng hơn.
4. Tiêm filler phải đúng vị trí
Trước đây, nếu bệnh nhân muốn tiêm filler để làm mờ nếp nhăn quanh miệng khi cười, bác sĩ sẽ tiêm trực tiếp vào các nếp nhăn. Nhưng hiện nay, bác sĩ sẽ tiêm vào vùng gò má, giúp toàn bộ cơ mặt như được nâng lên và săn chắc hơn một cách rất tự nhiên, khó phát hiện, và nếp nhăn cũng không lộ rõ khi cười.
5. Hãy “chọn mặt gửi vàng”
Kết quả tiêm filler phụ thuộc vào tay nghề của bác sĩ. Vì vậy, nếu thấy ai đó tiêm filler thành công, đừng chỉ chọn đúng thẩm mỹ viện mà cô ấy đã tới, mà còn phải chọn chính xác người bác sĩ đã tiêm filler cho cô ấy. Bạn cũng nên tìm hiểu kỹ xem bác sĩ ấy có bằng cấp, chứng chỉ như thế nào, và có thể đề nghị xem ảnh của các bệnh nhân đã được vị bác sĩ này đích thân thực hiện cho.
6. Filler cũng có tác dụng ngăn chặn những nếp nhăn trước khi chúng hình thành
Filler có tác dụng làm đầy mô dưới da, vì thế, bạn có thể “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, thực hiện tiêm filler ở những nơi có nguy cơ hình thành nếp nhăn sớm như ở đuôi mắt, hoặc ở rãnh mũi, má. Hiện nay có rất nhiều người tiêm filler khi chưa bước sang tuổi 30. Các chuyên gia cho rằng việc tiêm filler với liều lượng nhỏ cũng là một cách để chống lão hóa sớm, giúp bạn quên đi muộn phiền về tuổi tác.
7. Kích thước phân tử của các loại filler khác nhau
Dù có chung thành phần chính là HA, nhưng có nhiều loại filler có kích thước phân tử khác nhau để đem lại nhiều hiệu quả khác nhau. Loại có kích thước lớn thường được dùng để bơm cho phần gò má chảy xệ, còn loại có kích thước nhỏ thường được dùng để bơm môi, hoặc làm đầy các rãnh nhăn mờ.
8. Nếu tiêm filler không ưng ý, bạn có thể khắc phục được
Nếu tiêm filler bị lệch, bác sĩ có thể tiêm thêm một chút để cho cân lại. Nếu bạn dùng filler là HA, bác sĩ còn có thể sử dụng một loại enzyme để phân giải chất này, nếu chẳng may tiêm filler quá nhiều hoặc không được như ý muốn.
9. “Của rẻ” có thể là “của ôi”
Mặc dù được coi là thủ thuật đơn giản, ít tốn kém nhất trong các loại hình thẩm mỹ, nhưng tiêm filler cũng cần có nguyên liệu đủ tiêu chuẩn và bác sĩ đủ tay nghề. Nếu bạn thấy nơi nào quảng cáo dịch vụ tiêm filler với chi phí dưới 5 triệu đồng, hãy cảnh giác vì có thể bạn sẽ phải dùng filler rởm.
10. Cân nhắc tình trạng sức khỏe
Phụ nữ có thai và đang cho con bú không nên tiêm filler. Những người đang bị viêm xoang cũng không nên tiêm filler. Nếu bạn đang có lịch đi khám răng ở phòng khám nha khoa, thì không nên tiêm filler trước đó, nên để lịch tiêm filler trước khi đi khám răng ít nhất 1 tuần. Lý do là những tác động của việc khám nha khoa, ví dụ như phải há miệng quá to, hoặc bị nha sĩ tì tay vào hàm cũng có thể ảnh hưởng đến vùng được tiêm filler.
Theo Tạp chí Đẹp