“Thời gian của bạn là có hạn, vì thế đừng lãng phí nó sống cuộc đời của những người khác. Đừng để mình vướng vào những giáo điều, suy nghĩ theo những lối mòn mà người khác đã vạch sẵn. Đừng để ý kiến của mọi người át đi tiếng nói sâu thẳm trong tâm hồn bạn. Và quan trọng nhất là hãy tin theo trái tim và trực giác, những thứ biết được bạn thực sự muốn làm gì. Mọi thứ còn lại chỉ là thứ yếu mà thôi.”
- Steve Jobs − cố Chủ tịch Tập đoàn Apple
Tại một quán ăn vào năm 1966, một ý tưởng đã bật ra trong đầu của Rollin King, đó là làm thế nào để có một hãng hàng không nội địa có thể chuyên chở hành khách với đường hàng không ngắn, nhanh và giá rẻ. Lúc đó ý tưởng này được coi là xa xôi, li kì, và tất nhiên đó là điều không thể… Và cuối cùng ông đã tìm ra một con người có chung một khát vọng, một tầm nhìn và đặc biệt hơn là cũng có đủ độ “điên” để giúp ông thực hiện ý tưởng, đó là Herb Kelleher.
Với hai con người có chung một ý tưởng, họ bắt tay vào thực hiện và cho ra đời công ty hàng không nội địa với tên Southwest Airlines tại tiểu bang Texas (Hoa Kỳ) năm 1971. Họ bước vào kinh doanh chỉ với 4 chiếc máy bay nhỏ. Làm thế nào để có thể thành công trong việc thực hiện ý tưởng hàng không giá rẻ, khi mà chính phủ đã quy định giá vé máy bay? Những người lãnh đạo công ty đã khôn khéo, chỉ thực hiện những đường bay ngắn trong khu vực tiểu bang Texas mà không hề vượt ra khỏi ranh giới của bang, để không phải thực hiện theo những quy định hàng không quốc gia.
Kết quả, họ không phải thực hiện bán vé theo giá vé quy định của chính phủ, mà thay vào đó họ được tự do quy định giá vé cho hãng và ngay lập tức hãng đã có số lượng hành khách rất đông. Sau đó, nhìn thấy tương lai phát triển của hãng hàng không này, các hãng hàng không khác như Texas International, Braniff và cả Continental Airlines đã đồng loạt phản ứng và phát đơn kiện. Nhưng Herb Kelleher đã chiến thắng trong cuộc đọ sức đầu tiên ấy.
Trong lúc tôi đang viết những dòng này, một nghiên cứu của Đại học Harvard đã bật ra trong suy nghĩ của tôi rằng “mọi ý tưởng trong kinh doanh đều là mới”. Khi Thomas H. Davenport và Laurence Prusak cùng viết cuốn sách với tựa đề What's the Big Idea? (Thế nào là một ý tưởng lớn) cũng do Harvard xuất bản, họ phát hiện rằng: Trong tất cả những công ty thành công đều do những vị lãnh đạo biết khai thác, nắm giữ và tập hợp những ý tưởng lớn, họ luôn thực hiện một văn hóa canh tân. Và qua đó có thể khẳng định: Hãng hàng không Southwest đã sinh ra từ một ý tưởng thật mới và thật vĩ đại. Song điều quan trọng hơn là, ý tưởng vĩ đại ấy được chính những con người vĩ đại ngang tầm thực hiện.
Với câu chuyện nhỏ trên đây, có một câu hỏi đặt ra cho chúng ta, đó là trong một thế giới bao la với nhu cầu đi lại ngày càng cao, quỹ kinh phí dành cho di chuyển lại ngày càng hạn chế, vậy tại sao không có một ai có ý nghĩ “điên khùng” tạo ra một hãng hàng không giá rẻ, mà chỉ có Rollin King và Herb Kelleher? Câu trả lời giản đơn rằng, vì tất cả mọi người đều nghĩ đó là điều không thể… ngoại trừ hai người đó. Họ là những doanh nhân khởi nghiệp!
Cụm từ “khởi nghiệp kinh doanh” bắt đầu xuất hiện trong vốn từ vựng kinh tế với ý nghĩa tương tự như từ “tinh thần nghề nghiệp”, được sử dụng phổ biến vào những năm 1970. Rất nhiều người khao khát trở thành doanh nhân để tận hưởng sự tự do, độc lập và giàu có mà nghề này mang lại. Các công ty lớn muốn có “tinh thần khởi nghiệp kinh doanh” mạnh mẽ, đây là con đường nhanh nhất để họ có được sự đổi mới và khả năng thích ứng như các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn nhưng thường thành công hơn.
Mục đích của tôi trong chương này là nghiên cứu khái niệm khởi nghiệp kinh doanh cũng như những người có tinh thần khởi nghiệp mà tôi quy đồng là doanh nhân. Tôi tin rằng khởi nghiệp kinh doanh là một phương thức quản lý giống như bao loại hình quản lý khác. Tuy nhiên, điều mà tôi muốn tập trung tìm hiểu, bản chất và khởi nguồn của việc xuất hiện loại hình quản lý với vấn đề khởi nghiệp kinh doanh từ đâu và tôi lại tin rằng các hoạt động khuyến khích hành vi kinh doanh lại đóng vai trò quan trọng đối với sự tồn tại lâu dài của nền kinh tế. Cuối cùng, tôi cho rằng tinh thần khởi nghiệp kinh doanh trong những người đã và đang nắm giữ những chức vụ điều hành quan trọng trong một tổ chức kinh doanh cũng quan trọng không kém nếu không nói là hơn lúc khởi nghiệp ban đầu.
Không hề cường điệu khi nói rằng khởi nghiệp kinh doanh ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Bằng chứng thuyết phục nhất là tỷ lệ thành lập doanh nghiệp mới tăng chưa từng thấy. Số doanh nghiệp mới thành lập hàng năm tính riêng ở Mỹ trong 10 năm vừa qua đã tăng gấp đôi từ 300.000 lên 600.000 doanh nghiệp. Không thua kém Mỹ, thậm chí còn vượt xa về tốc độ phát triển các doanh nghiệp mới, Việt Nam với những chính sách kinh tế hợp lý đã tạo đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và đi liền với đó là tốc độ tăng trưởng số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cụ thể, năm 2000, chúng ta chỉ có 14.453 doanh nghiệp mới được đăng ký kinh doanh, thì đến năm 2007 đã lên tới 58.196 doanh nghiệp được đăng ký kinh doanh, tức là tổng số doanh nghiệp đã tăng gấp 4 lần. Theo thống kê của Cục Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bình quân mỗi năm tính từ 2000-2009, tỷ lệ tăng trưởng số lượng doanh nghiệp mới tăng trên 22 phần trăm.
Xuất phát từ những thập niên cuối của thế kỷ XX, một xu hướng hình thành các khối liên minh trong các khu vực với nhiều hình thái khác nhau đã xuất hiện. Theo dự báo của các nhà chuyên môn về quan hệ quốc tế thì xu hướng này thậm chí còn mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Tái xây dựng, tái cấu trúc, rút gọn quy mô và đổi mới công nghệ đang dẫn đến một thế giới trong đó quan hệ sản xuất dây chuyền giữa các công ty có thể trở thành một tiêu chuẩn. Khả năng thương lượng những khối liên minh phức hợp và quản lý những mạng lưới quan hệ phức tạp sẽ ngày càng trở nên quan trọng, nhu cầu và đòi hỏi của người tiêu dùng đối với những dòng sản phẩm ngày càng khắt khe. Năng lực cũng như tư duy điều hành các mô hình kinh doanh mới là vấn đề sống còn đối với một doanh nghiệp toàn cầu thành công.
Và với những xu hướng thay đổi toàn cầu ấy đã dẫn tới một xu hướng không chỉ có sự quan tâm của những cá nhân muốn trở thành doanh nhân khi họ khao khát thành lập các doanh nghiệp cho riêng mình, mà các nhà đầu tư cũng cần có những chuyển hướng chiến lược khi họ không chỉ muốn hỗ trợ cho các doanh nhân mà họ còn phải quan tâm đến “tinh thần doanh nhân sáng tạo,” hay tinh thần khởi nghiệp, ngay trong các tập đoàn lớn đang phát triển.
Và như vậy, chúng ta có thể tin rằng việc củng cố tinh thần khởi nghiệp kinh doanh là một mục tiêu vô cùng quan trọng của xã hội toàn cầu nói chung và đất nước Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế và kinh doanh quốc tế nói riêng. Trước đây, đặc biệt trong giai đoạn cuối những năm 90 của thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, một thế giới toàn cầu hóa đã mở ra vô số cơ hội nhờ mở rộng thị trường, đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng quốc gia, tiền thu nợ lớn. Tại thời điểm đó môi trường kinh doanh rất dễ thành công, song hiện nay tình hình không còn như vậy nữa. Việc tiếp cận các nguồn tài nguyên quốc tế không còn dễ dàng như trước; quy định nhà nước đã công nhận một cách đầy đủ các chi phí kinh doanh, trong đó có nhiều chi phí trước đây không được công khai; cạnh tranh từ các công ty nước ngoài khiến cho các công ty trong nước vốn đã yếu nay lại càng phải cạnh tranh nhiều hơn... Tóm lại, một doanh nghiệp thành công là một doanh nghiệp hoặc có khả năng phản ứng nhanh trước những thay đổi ngoài tầm kiểm soát hoặc phải tạo ra những sản phẩm khiến người tiêu dùng thay đổi theo mình.
Trích đoạn cuốn sách
Tinh thần Khởi nghiệp Kinh doanh: Trái tin của một doanh nhân
Tác giả: TS.Đinh Việt Hòa
NXB: ĐHQGHN năm 2011