Tổng công ty May 10 hiện đang trở thành Top 3 dẫn đầu các doanh nghiệp dệt may thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam về các kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2023, Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã khẳng định.
Khẩu hiệu "chọn việc khó"
Ngày 2/1, tại Hà Nội, Tổng công ty May 10 tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm May 10 (8/1/1959-8/1/2024) và phát động thi đua sản xuất kinh doanh năm 2024.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Thân Ðức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho rằng: “May 10 luôn lấy con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển doanh nghiệp. Người lao động được làm việc trong điều kiện tốt nhất, được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng mềm”.
Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế và ngành dệt may Việt Nam, Tổng công ty May 10 đã gặp phải nhiều khó khăn thách thức chưa từng có tiền lệ.
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sáng suốt của Hội đồng quản trị, sự điều hành linh hoạt của Ban giám đốc, tập thể cán bộ, công nhân viên, May 10 đã đoàn kết, phát huy trí tuệ, từng bước tháo gỡ khó khăn, tìm các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm và ổn định thu nhập cho người lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra.
Ông Thân Ðức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10
Cụ thể, tổng doanh thu của Tổng công ty May 10 đạt 4.248 tỷ đồng, tăng 1,15% so với kế hoạch, đạt 90,92% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt 123 tỷ đồng, tăng 11,8% so với kế hoạch, đạt 81,86% so với năm 2022. Thu nhập bình quân đạt 9.250.000 đồng/người/tháng, giảm 0,54% so với kế hoạch và cùng kỳ năm 2022. Trong năm 2023, Tổng công ty May 10 đã được khách hàng trong nước và quốc tế tin tưởng, đạt nhiều giải thưởng cao quý.
Ông Việt cho rằng, năm 2024, nền kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ngành dệt may dự kiến sẽ phải đối mặt với những vấn đề như đơn hàng xuất khẩu tiếp tục giảm, xu thế số lượng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chuỗi cung ứng còn rủi ro, chi phí đầu vào cao…
Với tinh thần vượt khó quyết tâm, Tổng công ty May 10 đã đặt mục tiêu cho năm 2024 đạt doanh thu 4.500 tỷ đồng, vượt 6,6% so với năm 2023; lợi nhuận đạt 130 tỷ đồng, vượt 5,7% so với năm 2023; thu nhập bình quân đạt 9.500.000 đồng/người/tháng, tăng 2,7% so với năm 2023.
Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 thông tin thêm, để vượt qua khó khăn và phát triển trong năm 2024, Tổng công ty đã triển khai một số giải pháp chính như tập trung khai thác thị trường, đa dạng hóa mặt hàng, khách hàng; tập trung công tác phục vụ sản xuất, nghiên cứu sản phẩm mới; nâng cao năng lực quản trị, áp dụng chuyển đổi số; tiếp tục phát triển sản phẩm mới, khẳng định thương hiệu May 10…
Ông Việt nhấn mạnh, trong năm 2024 sẽ tiếp tục duy trì khẩu hiệu hành động “chọn việc khó”. Để thực hiện mục tiêu này, May 10 đã đưa ra hai giải pháp chính.
Thứ nhất là bảo toàn bằng được người lao động, năng lực sản xuất, thị trường khách hàng và đơn hàng. Thứ hai là tiết kiệm chi phí trên tất cả các mặt hoạt động.
“Nhờ những giải pháp này, trong năm 2023, hơn 12.000 cán bộ, công nhân viên của May 10 đã không phải nghỉ việc một ngày nào. Chúng tôi thậm chí còn tuyển thêm lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất”, ông Việt nói.
Thể hiện bản lĩnh người làm dệt may
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex, cho biết năm 2023 là năm khó khăn nhất đối với ngành dệt may Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Tổng công ty May 10.
“Nếu loại trừ năm 2020, khi ngành dệt may bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, thì năm 2023 là năm duy nhất trong 30 năm mở cửa xuất khẩu mà ngành dệt may Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu giảm. Kim ngạch xuất khẩu giảm 10%, nhưng đơn giá xuất khẩu lại giảm đến 30%”.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam Vinatex
Tuy nhiên, với tinh thần kiên cường, không nản chí, các doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn, đạt được kết quả khả quan. Ông Lê Tiến Trường đánh giá: "Trong suốt cả quá trình làm quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp dệt may thì chưa bao giờ những người làm cán bộ quản lý dũng cảm như năm 2023”.
Ông Trường cũng biểu dương tinh thần dũng cảm của tập thể Hội đồng quản trị và các cán bộ lãnh đạo của Tổng công ty May 10, đã đem lại một May 10 ổn định, đạt những thành tựu nhất định trong năm 2023.
Ngoài ra, ông Trường cũng nhấn mạnh, tinh thần sáng tạo đã giúp các doanh nghiệp dệt may vượt qua những yêu cầu đặc biệt, nhiều khi khá là vô lý của cả khách hàng và hệ thống. Tinh thần đoàn kết đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đạt kết quả tốt đẹp.
“Với những kết quả đạt được trong năm 2023, Tổng công ty May 10 đã trở thành Top 3 các đơn vị có lợi nhuận tốt nhất trong các doanh nghiệp may thuộc Vinatex. Đây là thành tích đáng khích lệ, thể hiện sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công nhân viên của Tổng công ty trong bối cảnh khó khăn chung của ngành dệt may”, ông Lê Tiến Trường nói.
Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm May 10 (8/1/1959-8/1/2024) và phát động thi đua sản xuất kinh doanh năm 2024.
Tại buổi lễ, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May 10 đã chia sẻ với báo giới về những bài học lớn của ngành dệt may Việt Nam trong năm 2023.
Thứ nhất là sự đa dạng hóa thị trường, ngành dệt may Việt Nam đã xuất khẩu sang 104 thị trường vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, bao gồm cả những thị trường mới nổi như Ấn Độ, Nam Phi, Trung Đông.
Thứ hai là sự khẳng định vị thế của ngành dệt may Việt Nam trên thị trường thế giới. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt hơn 40 tỷ USD. Thứ ba là sự thích ứng với những đòi hỏi khắt khe của các thị trường nhập khẩu. Ngành dệt may Việt Nam đã đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn, môi trường của các thị trường lớn.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May 10
Theo ông Giang, năm 2024 sẽ là một năm đầy thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam, do tác động của nhiều yếu tố. Trong đó, các nước nhập khẩu ngày càng thắt chặt các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn, môi trường, khiến doanh nghiệp dệt may Việt Nam gặp khó khăn trong việc đáp ứng. Cạnh tranh giữa các nền công nghiệp dệt may toàn cầu ngày càng gay gắt, buộc doanh nghiệp dệt may phải nâng cao năng lực cạnh tranh.
Xu hướng tiêu dùng bền vững đang gia tăng, đòi hỏi doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Vấn đề thiếu hụt nguồn nguyên liệu trong nước, khiến doanh nghiệp phải phụ thuộc vào nhập khẩu, gây tăng giá thành sản phẩm…
Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giày Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035 được Chính Phủ phê duyệt mới đây sẽ là nền móng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sợi – dệt – nhuộm, tạo cơ hội cho ngành dệt may tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định.
“Chúng ta cần hoạch định 2 trung tâm phát triển ngành thời trang. Đây là một xương sống, một chiến lược dài hạn. Một thương hiệu không chỉ tồn tại trong 10 năm, mà có thể 50-100 năm. Thương hiệu ấy không chỉ là của doanh nghiệp, mà còn là của quốc gia”, ông Giang nhấn mạnh.
Thu Hoài – Thành Đạt