UOB: Doanh nghiệp lo ngại nhất về lạm phát

2024-07-20 09:48:53

Lạm phát kéo nhiều chi phí gia tăng, là mối e ngại lớn nhất của nhiều doanh nghiệp hiện nay, theo các chuyên gia UOB.

Khảo sát của Ngân hàng UOB đo lường tâm lý của 525 chủ doanh nghiệp Việt Nam từ cuối 2023 đến quý I/2024 cho biết, 5 mối quan ngại lớn nhất với doanh nghiệp là lạm phát, giá cả hàng hóa biến động, chi phí vận hành, lãi suất tăng và đà phục hồi kinh tế chậm.

Lạm phát cao đã khiến chi phí vận hành của 3 trên 5 doanh nghiệp được hỏi, cho biết tăng lên. 57% doanh nghiệp cũng phản ánh giá nguyên vật liệu đầu vào tăng do lạm phát. Nhóm ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất gồm bất động sản, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, sản xuất kỹ thuật.

Tại họp báo về triển vọng doanh nghiệp nửa cuối 2024 sáng 16/7, ông Lim Dyi Chang - Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp UOB Việt Nam - nhận định doanh nghiệp Việt nhìn chung có tâm lý lạc quan hơn mặt bằng khu vực ASEAN, dẫu vậy, xu hướng chung vẫn là phòng thủ thay vì tấn công. Đa dạng hóa chuỗi cung ứng là ưu tiên hàng đầu của các chủ doanh nghiệp.

"Doanh nghiệp nội địa đang cực kỳ quan ngại về chi phí. Các chủ doanh nghiệp Việt lo lắng nhiều về lạm phát hơn hẳn so với các nước trong khu vực, cho thấy lạm phát thâm nhập sâu vào hoạt động kinh doanh hằng ngày", ông Lim Dyi Chang nói.

Ông Lim Dyi Chang - Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp UOB Việt Nam tại họp báo 16/7. Ảnh: UOB

Ông Lim Dyi Chang - Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp UOB Việt Nam tại họp báo 16/7. Ảnh: UOB

Thực tế, lạm phát đã tăng lên trong những tháng gần đây và hướng tới mức trần mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước (đến cuối tháng 6, lạm phát của Việt Nam là 4,08%).

Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB, phân tích nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tỷ lệ lạm phát trong hai năm qua là chi phí thực phẩm, nhà ở, giáo dục và y tế tăng cao. Đây là yếu tố cần được theo dõi thời gian tới vì mức tăng giá thực tế của những mặt hàng này mà người tiêu dùng phải đối mặt có thể nhanh hơn và lớn hơn mức được biểu thị bằng CPI. Bên cạnh đó, lương tối thiểu tăng lên từ 1/7 cũng sẽ tác động lên lạm phát.

 

Thừa nhận lạm phát đang chịu áp lực, song ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) TP HCM, cho rằng nguyên nhân từ tỷ giá. Với độ mở kinh tế lớn, nhập khẩu nhiều, theo ông lạm phát khó tránh khỏi chịu tác động từ USD mạnh lên.

Song ông Liêm cũng loại mối lo tăng lương tối thiểu ảnh hưởng nhiều đến lạm phát. Theo ông, việc tăng lương tối thiểu từ 1/7, đã được khảo sát và tính toán sao cho đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, để vẫn trong sức chịu đựng của doanh nghiệp, đồng thời không tác động nhiều đến lạm phát. Chính phủ đánh giá tăng lương chỉ ảnh hưởng khoảng 0,77% tới lạm phát trong khi có thể đóng góp thêm 0,21% cho GDP.

Để giải quyết vấn đề lạm phát, theo ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB, điều quan trọng là Chính phủ tăng chi tiêu để giúp tăng nguồn cung ở những khu vực như thực phẩm, giáo dục, y tế... trong thời gian dài, chẳng hạn như nâng cao năng suất trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong ngắn hạn, ông cho rằng việc tăng nguồn cung, ví dụ như với thực phẩm, bằng cách cho phép nhập khẩu nhiều hơn từ các quốc gia sẽ là một giải pháp.

Đánh giá chung về bối cảnh vĩ mô và tăng trưởng kinh tế, ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB, nhận định triển vọng cho năm nay vẫn tươi sáng.

Sự phục hồi của nhu cầu bên ngoài và trong nước, cũng như lĩnh vực sản xuất, đã giúp hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn mong đợi trong nửa đầu năm 2024.

Về nhu cầu bên ngoài, thương mại quốc tế hoạt động mạnh mẽ trong quý II, được thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu dùng cũng như sự phục hồi của chu kỳ bán dẫn kể từ giữa năm 2023.

Bất chấp xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra và tình trạng gián đoạn vận chuyển ở Biển Đỏ, xuất khẩu vẫn ghi nhận tháng thứ tư tăng hai con số, ở mức 10,5% so với cùng kỳ trong tháng 6, còn nhập khẩu tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong nửa đầu năm, xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt 14% và 16,6% so với cùng kỳ, đạt thặng dư thương mại 11,3 tỷ USD, gần bằng mức thặng dư 12,1 tỷ USD của cả năm 2022.

Đối với nhu cầu trong nước, tổng thương mại bán lẻ ghi nhận mức tăng trưởng ổn định trong nửa đầu năm 2024, được hỗ trợ bởi doanh số bán lẻ và dịch vụ du lịch, doanh số khách sạn và dịch vụ ăn uống ghi nhận mức tăng hai con số. Điều này được thúc đẩy bởi ngành du lịch với sự phục hồi liên tục của dòng khách quốc tế.

"Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6% cho năm 2024, với mục tiêu tăng trưởng chính thức là 6-6,5% có khả năng đạt được", ông Suan Teck Kin nhận định.

Bên cạnh những thuận lợi, chuyên gia UOB cũng đưa ra cảnh báo về khả năng nửa cuối năm nay có thể chứng kiến kết quả trầm lắng hơn. Điều này là do nền cơ sở cao trong cùng kỳ năm 2023 dẫn đến sẽ thách thức hơn để duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa cuối năm nay.

Ngoài ra, các rủi ro vẫn còn hiện hữu và có thể có tác động đáng kể nếu tình hình xấu đi, bao gồm xung đột giữa Nga và Ukraine cũng như ở Trung Đông giữa Israel và Hamas, làm gián đoạn thị trường thương mại, vận chuyển và năng lượng, hàng hóa toàn cầu.

Theo VNExpress

Co loi xay ra
Co loi xay ra
Ago Mom cải thiện khả năng thụ thai, tình trạng hiếm muộn ở phụ nữ
Ago Dad hỗ trợ sức khỏe sinh sản nam giới bổ sung dưỡng chất cần thiết, tăng cường sức khỏe, bổ thận và ích tinh cho nam giới