Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc tham gia đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng chiến lược như đường sắt, đường bộ cao tốc.
Đề nghị trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu với gần 400 doanh nghiệp khi dự diễn đàn "Hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam - Trung Quốc", sáng 28/6, nhân chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc.
Theo Thủ tướng, ba trụ cột phát triển của Việt Nam, gồm xây dựng Nhà nước pháp quyền, dân chủ xã hội và phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Trong đó, con người là trung tâm, chủ thể và động lực, mục tiêu phát triển. Việt Nam "không đánh đổi tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần".
Các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên thu hút đầu tư, như công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc tham gia đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng chiến lược như đường sắt, đường bộ cao tốc, khuyến khích hình thức hợp tác công tư.
"Chúng tôi mong muốn thu hút FDI có chọn lọc, hiệu quả, bền vững và ưu tiên chất lượng, công nghệ và bảo vệ môi trường", Thủ tướng nói.
Đề nghị nghiên cứu khả năng phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao Việt - Trung cũng được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu, khi hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 27/6.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại khu vực ASEAN. Thủ tướng cho biết, các cơ chế khuyến khích thương mại hai nước theo hướng cân bằng hơn sẽ được thúc đẩy, nhất là nhập khẩu nông sản từ Việt Nam. Cùng đó, thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu, hải quan cũng được đơn giản hóa để nâng cao hiệu suất thông quan, tăng xuất khẩu chính ngạch và không để ùn tắc hàng hoá tại biên giới.
"Lạng Sơn và Quảng Tây vừa qua đã triển khai cửa khẩu thông minh. Từ đây, các địa phương sẽ rút kinh nghiệm trong mở rộng mô hình này", Thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chính phủ cũng muốn hai nước tiếp tục thúc đẩy thương mại biên giới, nghiên cứu hình thành khu thương mại chung và lập mới các văn phòng xúc tiến thương mại tại Hải Khẩu và Thành Đô.
Trước đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Quốc Trung cho rằng Trung Quốc - Việt Nam còn nhiều dư địa để hợp tác, phát triển chuỗi cung ứng. Năm tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại Trung Quốc với Việt Nam chiếm một phần tư trong ASEAN. Hai bên sẽ bàn bạc, đẩy nhanh kết nối vành đai và con đường.
"Trung Quốc sẽ nhập nhiều hơn gạo chất lượng cao của Việt Nam, thúc đẩy cân bằng thương mại", ông Trung nói.
Tại diễn đàn, lãnh đạo Tập đoàn Gotec đánh giá, Việt Nam có vị trí thích hợp để thúc đẩy đầu tư qua biên giới vì môi trường chính trị ổn định, chính sách ưu đãi thuế hấp dẫn, chi phí lao động thấp và hệ thống chính sách hoàn chỉnh.
6 tháng đầu năm 2023, vốn FDI đăng ký mới ở Việt Nam tăng hơn 31% so với cùng kỳ. Trong số này, vốn từ các công ty Trung Quốc đạt gần 2 tỷ USD, tăng hơn 53% so với cùng kỳ 2022. Trung Quốc hiện đứng thứ ba trong 90 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Hiện có hơn 3.700 dự án của Trung Quốc tại Việt Nam còn hiệu lực, chủ yếu là chế biến chế tạo (81%), điện, nước (8%), bất động sản với tổng vốn đầu tư trên 25 tỷ USD.
Trước mối quan tâm của các nhà đầu tư Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, Chính phủ sẽ thành lập Tổ công tác về thương mại và đầu tư để cùng Trung Quốc thúc đẩy các hoạt động thực chất, hiệu quả hơn.
Thủ tướng thăm chính thức Trung Quốc và tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) từ 25/6 đến 28/6.
Theo Hoàng Thủy
(Vnexpress)