Trong tháng 9 vừa qua, sinh viên lớp Thông tin đối ngoại k41 - Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có buổi học ngoại khóa tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Dưới sự hướng dẫn của giảng viên bộ môn cơ sở truyền thông quốc tế, lớp sinh viên thông tin đối ngoại k41 đã tham gia buổi học thực tế tại bảo tàng, tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Tại đây, sinh viên có cơ hội khám phá, học hỏi và tiếp thu kiến thức liên quan đến môn học và chuyên ngành chính.
Lớp TTĐN k41 cùng giảng viên bộ môn check in tại Bảo tàng (Ảnh: QN)
Bảo tàng Báo chí cách mạng Việt Nam nằm trong khuôn viên tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam, không chỉ là nơi lưu giữ những tài liệu, hiện vật về lịch sử báo chí mà còn là nơi ghi dấu những ký ức về lịch sử dân tộc, đời sống xã hội nói chung.
Cô Minh Châu hướng dẫn sinh viên tại Bảo tàng (Ảnh: QN)
Cô Nguyễn Minh Châu - người phụ trách hướng dẫn cho sinh viên tại Bảo tàng chia sẻ: "Đây là nơi cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản, bên cạnh những lý thuyết các em được học trên lớp. Những buổi tham gia ngoại khoá sẽ giúp các em có cái nhìn mới mẻ, đặc biệt là những bạn trẻ, nó mang lại trải nghiệm thực và dễ tiếp thu".
Một số hình ảnh thăm quan tại Bảo tàng (Ảnh: QN)
Nhóm sinh viên trao đổi với phóng viên: "Nơi đây là một kho tàng kiến thức về lĩnh vực báo chí nói riêng và những câu chuyện về lịch sử nói chung. Hiện vật rất đa dạng từ những tờ báo giấy đầu tiên, đến những công cụ làm báo hiện đại; đồng thời, bảo tàng còn trang bị thêm những thiết bị tra cứu thông minh giúp chúng mình có thêm những trải nghiệm thú vị.”
Thầy Hoàng Anh Tuấn dự cùng đoàn chia sẻ thêm: "Những buổi học thực tế chính là cơ hội để các em sinh viên hiểu biết hơn về chuyên ngành mình học, đồng thời giúp các em thấy được rằng để có được một nền báo chí phát triển như ngày hôm nay, các thế hệ đi trước đã đóng góp rất nhiều vào công cuộc xây dựng và phát triển. Bản thân các em sinh viên - những nhà báo trẻ tương lai phải nắm được những điều cơ bản và xác định đúng con đường mình lựa chọn sau này. Học tập và cố gắng trải nghiệm thực tế chính là chìa khóa giúp các em ngày càng phát triển". Có thể thấy, báo chí Việt Nam, qua những giai đoạn lịch sử đã phát triển ngày càng vượt bậc và đa dạng từ nội dung đến hình thức.
Sinh viên lớp TTĐN ký lưu bút tại bảo tàng (Ảnh: QN)
Sau khi tham quan và tìm hiểu về bảo tàng, sinh viên tham gia buổi họp mặt nhằm góp ý và chia sẻ cảm xúc, trò chuyện cùng các thầy cô. Bạn Linh Ngân cho biết: "Em rất biết ơn và cảm ơn thầy cô đã tạo cơ hội cho chúng em tham gia buổi học thực tế ngày hôm nay, điều này đã giúp chúng em có cái nhìn thực tế và mới mẻ hơn về môn học. Đồng thời, cung cấp cho chúng em rất nhiều kiến thức bổ ích về lịch sử nền báo chí cách mạng Việt Nam".
Lịch sử đã khép lại, nhưng cũng chính lịch sử là bước đệm cho sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay. Việc tìm hiểu và khám phá về "nguồn cội" báo chí đã giúp sinh viên có những kiến thức nền tảng để phát triển sau này./.
Ngô Quỳnh