Số startup tại Mỹ bỏ cuộc, không thể huy động tiền cho ý tưởng của họ trước sự suy thoái của thị trường vốn mạo hiểm, ngày càng tăng.
Khởi nghiệp tại Mỹ đang dần khó khăn hơn. Nguồn vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm và ngân hàng ngày càng khan hiếm và đắt đỏ. IPO thì gần như không thể và một số mô hình kinh doanh hoạt động khi tiền mặt còn rẻ (lãi vay thấp) hiện không bền vững. Các startup được hỗ trợ bởi các quỹ đầu tư mạo hiểm đang cạn kiệt tiền và phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn, theo WSJ.
Trong những tháng gần đây, một số startup từng huy động được vốn đầu tư đáng kể đã phải đóng cửa. Ví dụ, công ty công nghệ sinh học Goldfinch Bio, công ty kinh doanh rượu vang Underground Cellar và fintech Plastiq.
Zume, trụ sở California, chuyên phát triển một nhà sản xuất bánh pizza bằng robot và từng được định giá 2,25 tỷ USD, đang tiến dần đến giải thể theo sự giám sát của công ty chuyên về tái cấu trúc Sherwood Partners.
"Sự biến mất hàng loạt của các công ty khởi nghiệp đang diễn ra", Tom Loverro, Thành viên điều hành quỹ IVP, cho biết. Chưa có startup nào được quỹ của anh đầu tư phải đóng cửa gần đây nhưng Loverro nói làn sóng sụp đổ của các startup chỉ mới bắt đầu. "Giống như toàn bộ ngành này đã nhậu nhẹt đêm qua và giờ gánh chịu hậu quả", ông ví von.
Một số nhà quan sát tin rằng sự bùng nổ vốn đầu tư mạo hiểm vào năm 2021, cũng như việc chính phủ tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ trong thời kỳ đại dịch, có khả năng giúp các startup tồn tại lâu hơn bình thường. Giờ những nguồn tài trợ đó đã cạn kiệt nên sự đổ đã dần đến.
Barry Kalander, Chủ tịch KallanderGroup, công ty cung cấp dịch vụ tái cơ cấu và giải thể doanh nghiệp, cho biết hầu hết các công ty họ đang xử lý đáng lẽ phải ngừng hoạt động từ một hoặc hai năm trước.
Các startup được hỗ trợ bởi vốn mạo hiểm đã huy động được 346 tỷ USD vào năm 2021, theo báo cáo của PitchBook-NVCA Venture Monitor. Các nhà đầu tư và người sáng lập cho biết nhiều công ty vẫn đang sống sót nhờ số tiền đó đến nay. Một số hy vọng rằng sẽ có thể vượt qua khó khăn hiện tại để chờ thị trường phục hồi và tìm cách IPO để khai thác thị trường đại chúng.
Trong khi đó, thị trường vốn mạo hiểm vẫn đang suy giảm. Các startup Mỹ đã huy động được 37 tỷ USD trong quý I, giảm 55% so với cùng kỳ 2022. Thị trường này suy thoái càng lâu thì nhiều công ty khởi nghiệp càng tiến gần đến phá sản.
Ngày 31/12/2022, công ty khởi nghiệp bất động sản Watson Living đã phải đóng cửa, theo Đồng sáng lập kiêm cựu CEO Andrew Firestone. Trước đó, vào năm 2021, Watson Living đã huy động được 2,5 triệu USD vòng hạt giống, với mức định giá khoảng 15 triệu USD. Tuy nhiên, sản phẩm của họ quá phức tạp và không phù hợp thực tế, theo thừa nhận của Firestone.
Watson Living vì thế đóng cửa và trả lại chưa đến 10% vốn cho các nhà đầu tư. "Thị trường đã thay đổi và thời gian cho chúng tôi kịp điều chỉnh thích ứng rút ngắn đáng kể", Firestone giải thích. Hiện anh đã bắt đầu công việc kinh doanh mới trong ngành khác.
Các nhà nghiên cứu cho biết trong lịch sử, dữ liệu về số lượng các startup đã ngừng hoạt động rất khó theo dõi chính xác dù số công ty thành công là rất hiếm hoi. Khoảng 45% trong số 1.100 startup đã huy động vốn trong vòng tài trợ hạt giống vào năm 2017 chưa bao giờ huy động vốn tiếp theo, theo Carta, nhà cung cấp phần mềm cho các quỹ đầu tư.
Đạt được một kết quả đáng kể thậm chí còn hiếm hơn. Khoảng 16% các startup được mua lại thành công hoặc phát hành cổ phiếu ra công chúng trong 7 năm kể từ khi huy động vốn đầu tư mạo hiểm đầu tiên, theo dữ liệu về gần 5.000 công ty Mỹ đã huy động vốn lần đầu từ năm 1995 đến 2013.
Nghiên cứu này được thực hiện bởi Honggi Lee của Đại học New Hampshire, Lia Sheer của Đại học Tel Aviv và Matt Marx của Đại học Cornell. Lee cho biết tỷ lệ thất bại có thể tăng lên trong thời kỳ suy thoái."Nếu startup không có tiền thì họ không thể hoạt động", ông nói.
Samantha Ettus, Sáng lập kiêm Giám đốc điều hành fintech Park Place Payments, đã huy động được 4 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm, đã phải hành động nhanh chóng khi nhà đầu tư lớn nhất của vòng gọi vốn thành công gần nhất đã không chuyển tiền vào tháng 9 năm ngoái.
Ettus cắt giảm chi phí, huy động 440.000 USD vốn tài trợ bắc cầu từ các nhà đầu tư hiện tại và thuê một ngân hàng đầu tư để rao bán Park Place. "Khi tôi mới thành lập công ty, chúng tôi đã nói rằng sẽ xây dựng thành công ty tỷ USD. Tôi chưa bao giờ có ý định bán sớm như vậy", Ettus nói. Kết quả, Logiq đã mua lại Park Place vào tháng 4 trong một thỏa thuận mua toàn bộ cổ phần trị giá hơn 6 triệu USD.
Một số công ty khởi nghiệp khác thì tìm cách xoay trục, đổi mô hình kinh doanh hoặc sản phẩm. Năm ngoái, một nhà cung cấp vốn cho công ty fintech Upfront đã thắt chặt các điều khoản đối với khoản vay đang chờ xử lý. Marc Escapa, Đồng sáng lập và Đồng giám đốc điều hành cho biết các yêu cầu khiến kế hoạch kinh doanh không khả thi.
Công ty vừa huy động được 6 triệu USD nhưng không còn có thể theo đuổi việc cung cấp các khoản vay mua ôtô như đã lên kế hoạch. Nó xoay trục và đang bán phần mềm khởi tạo khoản vay dưới tên Fuse Finance.
Escapa rất vui khi startup của anh đã tìm ra được hướng kinh doanh mới hoạt động tốt. Tuy nhiên, kinh nghiệm cũng cho thấy các xu hướng vĩ mô nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty có thể khiến một ý tưởng trở nên không khả thi. "Các nguyên tắc cơ bản của những gì bạn sắp xây dựng không còn đúng nữa", anh nói.
Theo WSJ
(Phiên An - VnExpress dịch)