Vốn đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam đang chững lại, nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến hàng đầu của nhà đầu tư Hàn Quốc.
Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam gần 86 tỷ USD
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 1/2024, Việt Nam thu hút được 9.891 dự án đầu tư từ doanh nghiệp Hàn Quốc, với tổng vốn đăng ký gần 86 tỷ USD, chiếm 25,1% tổng số dự án và 18,25% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam.
Với kết quả trên, Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang có đầu tư vào Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.
Việt Nam thu hút được 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đến đầu tư (Ảnh minh họa) |
Không chỉ đầu tư mạnh vào Việt Nam, nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc cũng xuất hiện và liên tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian qua. Điển hình trong số đó phải kể đến những thương hiệu nổi bật như Samsung, LG, Huyndai…
Năm 2023, LG Innotek Hải Phòng – một thành viên của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) tiếp tục tăng vốn 1 tỷ USD vào Việt Nam, đưa tổng vốn của dự án này tại Việt Nam lên hơn 2 tỷ USD. Như vậy, tính đến nay Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đã đầu tư vào Hải Phòng hơn 7,2 tỷ USD, bao gồm các dự án: LG Electronics, LG Display, LG Innotek, LG CNS, LG Chemical - 2 dự án… Còn với Samsung, hiện tập đoàn này đã đầu tư 18 tỷ USD vào Việt Nam và có kế hoạch nâng lên thành 20 tỷ USD.
ộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, các dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam giải ngân nhanh và hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đó cũng là lý do, nhiều địa phương đặt mục tiêu thu hút dòng vốn FDI đến từ Hàn Quốc.
Điển hình như tỉnh Vĩnh Phúc, trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công Thương mới đây, ông Vũ Chí Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung và hướng tới thu hút các dự án đầu tư từ các quốc gia là đối tác quan trọng đã triển khai thành công các dự án tại tỉnh trong thời gian qua là Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc), Singgapore.
Để thu hút được những dự án FDI nói chung và FDI từ Hàn Quốc nói riêng, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Địa phương cũng đang xây dựng thí điểm bộ tiêu chí thu hút và đánh giá hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư tại cấp tỉnh. Đặc biệt, tăng cường cơ chế đối thoại, đổi mới, mở rộng phương thức tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của nhà đầu tư; xử lý dứt điểm, kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đang thực hiện.
Doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam gần 86 tỷ USD |
Nhiều giải pháp “hút” vốn đầu tư Hàn Quốc
Mặc dù là quốc gia dẫn đầu trong đầu tư vào Việt Nam, nhưng theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài công bố, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại trong tháng 1/2024. Cụ thể, trong tháng Việt Nam thu hút được 24 dự án đăng ký mới; 20 lượt dự án điều chỉnh vốn và 44 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đầu tư đạt hơn 46 triệu USD, xếp thứ 6 trong tổng số 39 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam trong tháng đầu năm. Tuy nhiên, xét về số dự án điều chỉnh vốn và số lượt dự án góp vốn, mua cổ phần, Hàn Quốc vẫn là quốc gia dẫn đầu, chiếm 26,7% tổng số dự án điều chỉnh và 25,3% dự án góp vốn mua cổ phần.
Trước đó, tại một diễn đàn liên quan đến thu hút FDI từ Hàn Quốc, ông Đỗ Nhất Hoàng – Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, sự chững lại của dòng vốn FDI Hàn Quốc vào Việt Nam chỉ mang tính tạm thời. Vì trên thực tế, đang có một danh sách hàng chục dự án đầu tư Hàn Quốc đang chờ để đầu tư vào Việt Nam, trong đó có cả những dự án từ vài trăm triệu USD đến vài tỷ USD.
Về định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Cùng với đó là ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để hiện thực hoá những định hướng này, những giảp pháp chung được đưa ra là: Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức lạm phát ổn định; tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, ổn định thị trường ngoại tệ, tỷ giá, cơ cấu lại thời hạn trả nợ của doanh nghiệp; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu; mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát huy các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết; triển khai các chính sách kích cầu, tăng cường tiêu dùng nội địa; thúc đẩy chuyển đổi số, triển khai hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Theo Nguyễn Hòa (Báo Công Thương)