"Các nhà lãnh đạo trong mọi trường hợp hay trong các diễn đàn như hôm nay phải có phát biểu chạm đến trái tim của họ, để khích lệ tinh thần đầu tư, làm cho họ máu đầu tư, sôi sục đầu tư, vượt qua khó khăn để đầu tư...", TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
TS Nguyễn Đình Cung (bên phải) tại Tọa đàm cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam thường niên lần thứ 3. Ảnh: Việt Dũng.
Trao đổi tại phiên Tọa đàm cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam thường niên lần thứ 3, TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đã thẳng thắn nhìn nhận lại những thành tựu và hạn chế của bức tranh kinh tế 8 tháng đầu năm 2023.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, thành tựu lớn nhất của chúng ta năm 2023 là giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo cân đối lớn nền kinh tế trong đó cân đối lương thực ngoại tệ là hai cân đối quan trọng duy trì an sinh xã hội, từ đó có được đà tiếp theo cho phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta có nhiều điểm yếu mang tính cơ cấu.
PHẢI TẠO NIỀM TIN CHO DOANH NGHIỆP
Thứ nhất, là một nền kinh tế phân mảng với ba mảng gồm đầu tư nước ngoài, kinh tế tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài, ba nhóm này không liên kết với nhau.
Thứ hai, nền kinh tế mở nhưng mức độ mở và năng lực hội nhập của doanh nghiệp tư nhân trong nước thấp nên không tận dụng hết cơ hội hội nhập kinh tế quốc tế mang lại để đóng góp cho sự thịnh vượng của quốc gia.
Thứ ba, hệ thống thể chế của chúng ta không còn phù hợp để huy động đủ nguồn lực và sử dụng nguồn lực hiệu quả tạo bứt phá tăng trưởng. Điển hình, Quốc hội liên tục phải ban hành các thể chế khác biệt so với hiện hành cho các địa phương, số địa phương mong muốn điều này ngày càng nhiều. Quốc hội ban hành cơ chế thí điểm thực hiện dự án đầu tư quan trọng quốc gia vì thể chế hiện hành không dung nạp được, đây là điểm yếu nhất của nền kinh tế nước ta.
Trong khó khăn khủng hoảng, doanh nghiệp hay bất cứ ai đều có suy nghĩ đầu tiên là phải tồn tại vượt qua. Để tồn tại thì luôn phải cơ cấu lại sản phẩm, thị trường, quản trị, phải tiết giảm chi phí...Nhưng trong cái khó luôn ló cái khôn, vẫn có cơ hội, nhiều doanh nghiệp đã biết bám lấy cơ hội đó.
Tuy nhiên, điều mà Nhà nước phải làm là đưa ra các giải pháp, gồm: Một là, ổn định vĩ mô; Hai là, phải cải cách cải thiện môi trường kinh doanh tháo bỏ rào cản tạo thuận lợi tối đa.
Ba là, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, như giảm lãi suất, thuế, phí... Một mặt giúp doanh nghiệp giảm chi phí mặt khác tăng cầu tiêu dùng cũng là một giải pháp giúp doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều doanh nghiệp hiện nay đang cần chúng ta đã làm nhưng phải nhất quán, mạnh mẽ và dưới mức độ cao hơn, đột biến hơn để bù đắp khó khăn cho doanh nghiệp.
"Niềm tin của doanh nghiệp là quan trọng. Để họ tin được thì tôi cho rằng nói phải đi đôi với làm, văn bản chính sách phải thực thi đúng thế. Đồng thời, các nhà lãnh đạo trong mọi trường hợp hay trong các diễn đàn như hôm nay phải có phát biểu chạm đến trái tim của họ, để khích lệ tinh thần đầu tư, làm cho họ máu đầu tư, sôi sục đầu tư, vượt qua khó khăn để đầu tư. Đó là những thứ mà chúng ta đã và đang làm nhưng tôi mong làm nhiều hơn, triệt để hơn, nhất quán hơn để tạo ra niềm tin. Thứ cần nhất hiện nay của doanh nghiệp là niềm tin", TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
CẦN MỘT GIẢI PHÁP PHI TRUYỀN THỐNG
Bàn về động lực tăng trưởng từ nay cho cuối năm 2023 và năm sau, theo TS. Nguyễn Đình Cung, nền kinh tế chúng ta mở cửa, độ mở tiếp tục gia tăng nhưng nhìn từ bên ngoài, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế chậm lại có thể đứt gãy. Các nền kinh tế phát triển họ cũng đã thay đổi tư duy, củng cố nền tảng của họ và tăng tính tự chủ, tự lực của họ. Từ đó, họ bố trí thay đổi lại chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, xu thế mới như tăng trưởng xanh, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế tuần hoàn...tất cả thứ đó thành xu thế và trở thành quy chuẩn tiêu chuẩn với sản phẩm, dịch vụ sản xuất tiêu dùng với nhiều nền kinh tế. Do đó, ta muốn duy trì tốc độ xuất khẩu tăng trưởng như lâu nay phải có nhiều thay đổi.
Thứ nhất, phải làm sống động lại, duy trì năng lực nội sinh của doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ để họ tồn tại chớp lấy thời cơ.
Thứ hai, không thể tiếp tục dựa trên lợi thế cạnh tranh chi phí thấp như là lao động thấp, năng lượng thấp, chi phí môi trường thấp, doanh nghiệp phải đầu tư để thay đổi đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất chuyển sang xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm thải carbon như nhiều người khuyến nghị.
Thứ ba, phải đa dạng hóa thị trường, không có nghĩa là bỏ thị trường lớn cũ mà tíep tục duy trì đồng thời mở ra thị trường mới châu Phi, Mỹ La Tinh nơi mà ta hiện diện ít.
Về phía nhà nước, phải tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi tối đa cho xuất khẩu, tạo ra môi trường kinh doanh mà khích lệ đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ, áp dụng khoa học công nghệ, trở thành động lực nội sinh nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Chúng ta phải xem lại, đổi mới lại chế độ khuyến khích đầu tư hiện nay, thay đổi cách tiếp cận, xây dựng khuyến khích đầu tư mới, khuyến khích dịch chuyển xu thế đang làm.
“Nếu nhìn vào mục tiêu nhiệm kỳ thì khoảng cách giữa chúng ta với mục tiêu đó rất xa. Để đạt mục tiêu nhiệm kỳ cao như thế phải có giải pháp, thông qua một cách phi truyền thống, giải pháp phi truyền thông từ nội dung, chính sách đến thực thi chính sách thì may ra mới đạt được mục tiêu của nhiệm kỳ.
(Theo Vneconomy)